Dự thảo Thông tư Quy định về Dạy thêm, Học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức.
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố nội dung dự thảo Thông tư này, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết bàn sâu về quy định dạy thêm, Học thêm trong và ngoài nhà trường.
Trong đó, không ít tác giả bài viết tỏ ra e ngại khi cho rằng, dự thảo Thông tư “bật đèn xanh”https://giaoduc.net.vn/”khá thoáng”https://giaoduc.net.vn/”quá thoáng”, điều này khiến việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường có nguy cơ sẽ tràn lan.
Đọc kĩ dự thảo Thông tư, người viết là Giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, nếu hiệu trưởng làm đúng quy định thì việc dạy thêm, học thêm tràn lan trong nhà trường sẽ được ngăn chặn.
Theo đó, Điều 4 dự thảo Thông tư quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:
“1. Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.
Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.
Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.”
Người viết cũng là tổ trưởng chuyên môn nhận thấy, một trường trung học phổ thông có quy mô khoảng 2000 Học sinh thường có khoảng 10-12 tổ chuyên môn (gồm các tổ ghép).
Và không phải tổ chuyên môn nào cũng tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Đối với bậc trung học phổ thông, học sinh thường học thêm 4 môn thi tốt nghiệp, đó là môn Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn.
Tại đơn vị nơi người viết đang công tác, hơn 10 năm qua, người viết chưa bao giờ đề xuất với hiệu trưởng tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 12, bởi vì các em đã được học 2 buổi/ngày, trong đó gồm tiết chính khoá và tiết tăng.
Tuy vậy, năm học nào người viết cũng đề xuất với hiệu trưởng dạy thêm cho những học sinh yếu có nguy cơ rớt tốt nghiệp và dạy đội tuyển học sinh giỏi.
Việc dạy thêm này không thu bất cứ khoản học phí nào của phụ huynh, giáo viên được nhà trường chi trả một ít thù lao theo quy chế chi tiêu nội bộ, hoặc quy đổi 1 tiết dạy học sinh giỏi bằng 1,5 tiết dạy chính khoá, tính vào tiết nghĩa vụ của thầy cô (17 tiết/tuần).
Người viết cũng không thấy tổ chuyên môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí dạy thêm cho học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình 2006.
Trở lại với khoản 1 Điều 4 dự thảo Thông tư, giả sử tổ chuyên môn đề xuất với hiệu trưởng về việc dạy thêm, học thêm, nhưng lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng (dạy thêm, học thêm) không hợp lí thì lãnh đạo nhà trường hoàn toàn có thể không đồng ý.
“2. Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.”
Theo nội dung này, giả sử tổ chuyên môn đề xuất với hiệu trưởng về việc dạy thêm, học thêm và được lãnh đạo nhà trường đồng ý, nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh không đồng ý, chẳng hạn học phí cao, giáo viên dạy chưa phù hợp,… thì việc dạy thêm, học thêm sẽ không diễn ra.
Đáng chú ý, quy định “tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông” đã góp phần ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan trong các nhà trường.
Người viết lấy ví dụ ở đơn vị nơi người viết đang công tác, học sinh bậc trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày các em học 8 tiết (sáng 5 tiết, chiều 3 tiết), học từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Như vậy, tổng số tiết học sinh học trong tuần là 48 tiết. Và theo quy định tại dự thảo Thông tư, tổ chuyên môn không được tổ chức dạy thêm, học thêm nữa.
“3. Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.”
Nếu học sinh trường nào học 1 buổi/ngày thì tổ chuyên môn có thể tổ chức dạy thêm, học thêm. Tuy vậy, quy định đã nêu rõ, việc học thêm là do học sinh tự nguyện đăng kí.
Chính vì vậy, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường bên cạnh những quy định về hành lang pháp lí thì đòi hỏi người thầy cần có cái tâm trong sáng, tất cả vì học sinh thân yêu.
Hiệu trưởng ở đơn vị nơi người viết đang công tác đã từng nhận được phản ánh của học sinh về việc có giáo viên “ép” học sinh học thêm.
Sau đó, chuyện này lãnh đạo đã cảnh báo chung cho giáo viên trong trường là phải chấm dứt, vì đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm đạo đức nhà giáo, và nhiều năm qua không còn xảy ra tình trạng này nữa.
Hơn nữa, giáo viên cũng khó “ép” học sinh học thêm vì các em không dễ cam chịu. Cùng với đó, nội dung đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) không phải lấy toàn bộ của một giáo viên nên hiệu trưởng vẫn kiểm soát được việc này.
Chưa kể, điểm số học sinh còn được đánh giá rất chính xác qua các kì thi, ví dụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên giáo viên khó “ép” học sinh đi học thêm vì điểm số.
“4. Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.”
Theo quy định này, học sinh phải được chọn giáo viên dạy thêm và hiệu trưởng phải đáp ứng nguyện vọng của các em. Như thế, không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm cho nên khó xảy ra chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan trong trường học nếu hiệu trưởng làm đúng quy định.
Nếu trường nào để xảy ra việc giáo viên “ép” học sinh học thêm thì cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) phải cách chức hiệu trưởng, kể cả hiệu phó nhà trường để làm gương.
Nhìn chung, khi dự thảo Thông tư được thông qua thì hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn, áp lực hơn trong việc quản lý và giám sát về dạy thêm, học thêm so với hiện nay.
Tuy vậy, nếu hiệu trưởng làm đúng quy định thì việc dạy thêm, học thêm tràn làn trong nhà trường khó có thể thể xảy ra.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/du-thao-day-them-kha-thoang-lo-giao-vien-co-the-sao-nhang-viec-chinh-o-truong-post245275.gd
https://giaoduc.net.vn/du-thao-bat-toan-den-xanh-lo-day-them-hoc-them-se-tran-lan-phuc-tap-hon-post245140.gd
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-119240823111056922.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ánh Dương