Đào tạo và nâng cao nhận thức cho sinh viên về du lịch bền vững ở Việt Nam
Mới đây, trường Đại Học Hà Nội và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã hợp tác thực hiện dự án “Đào tạo và nâng cao nhận thức về Du lịch bền vững ở Việt Nam”.
Một trong ba trụ cột của Du lịch bền vững là bền vững về mặt xã hội, trong đó bao hàm phát triển nguồn nhân lực bền vững trong du lịch. Dựa trên nền tảng ấy, dự án “Đào tạo và nâng cao nhận thức về Du lịch bền vững ở Việt Nam” do Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội (HANU) hợp tác với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) được ra đời.
Tại lễ khai mạc khởi động dự án, ông Ibrahima Dabo, Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại Châu Á – Thái Bình Dương, gửi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu và đội ngũ cán bộ Trường Đại học Hà Nội đã cộng tác hiệu quả trong việc xây dựng lên sáng kiến này, đồng thời khuyến khích Sinh viên nắm bắt cơ hội để phát triển kỹ năng và trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực du lịch bền vững.
Dự án “Đào tạo và nâng cao nhận thức về Du lịch bền vững ở Việt Nam” tập trung vào ba nhóm đối tượng chính, thứ nhất là thanh niên, sinh viên và nữ giới. Với đặc thù sinh viên ngành du lịch đa phần là nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 22, dự án nhằm mục tiêu đào tạo và trao quyền cho họ thông qua các hoạt động Giáo dục và thực hành.
Thứ hai là các trường Đại học: Dự án tạo ra mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học từ Bắc vào Nam, nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về đào tạo du lịch bền vững, từ đó khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Cuối cùng là doanh nghiệp: Hơn 30 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội và TP.HCM tham gia dự án nhằm tạo cầu nối giữa sinh viên và thị trường lao động, giúp các em tiếp cận cơ hội Việc làm và mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đầu tháng 8/2024, dự án đã chính thức được khởi động bằng khóa đào tạo và nâng cao nhận thức về du lịch bền vững đầu tiên, dành cho 400 sinh viên tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Thông qua các buổi học tại trường với các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch bền vững tại Việt Nam, sinh viên được nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hành, học cách giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội trong du lịch.
Nối tiếp phần học lý thuyết là những chuyến tham quan thực tế cho sinh viên 3 miền được tham vấn tổ chức bởi công ty IMAGE Travel & Events, một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm tiên phong xúc tiến cho các sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam. Sinh viên được nghiên cứu thực địa tại những điểm đến nổi bật như Hội An, Cần Thơ, Hòa Bình, Hạ Long…
Hiện tại, 3 trong số 5 tổ hợp tour là Cần Thơ, Hòa Bình, Hội An đã được tổ chức thành công. 2 tour còn lại tại Hạ Long đã được lên kế hoạch, nhưng bị hoãn đến cuối tháng 9 vì lý do an toàn liên quan đến siêu bão Yagi.
Trong chuyến thực tế tại Hòa Bình, các bạn sinh viên HANU không chỉ tham gia một chuyến du lịch thông thường, mà còn được quan sát, lắng nghe các chuyên gia phân tích hành vi du lịch bền vững và không bền vững, trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc Mường ở vùng núi Tây Bắc như nghiên cứu văn hoá Mo Mường, trải nghiệm văn hóa cồng chiêng và làm giỏ rác bằng tre, một vật liệu thân thuộc với người dân Việt Nam và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các bạn còn phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, người dân địa phương vốn là những chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch bền vững tại địa phương như ông Mo Mường (chủ homestay địa phương), các thành viên của đội văn nghệ cồng chiêng để nắm vững các nguyên tắc bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đồng thời tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập bền vững cho người dân bản địa.
Trong chuyến thực tế tại Hội An (Quảng Nam), 80 sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng (UFLS) đã tới thăm 2 địa điểm du lịch với những đặc thù riêng biệt là làng rau Trà Quế và rừng dừa Bảy Mẫu. Nếu như làng rau Trà Quế là minh chứng rõ nét cho mô hình phát triển du lịch bền vững tại địa phương theo tất cả các tiêu chí: bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua việc phát triển nghề truyền thống cũng như các hoạt động du lịch, đảm bảo thu nhập cho người dân địa phương, thì rừng dừa Bảy Mẫu tại Cẩm Thanh lại đối mặt với những hạn chế của việc phát triển du lịch theo hướng đại trà như ô nhiễm tiếng ồn, du khách không mặc áo phao khi đi thuyền thúng hay quá tải du khách vào một số thời điểm nhất định.
Trong chuyến thực tế tại Cần Thơ, gần 80 sinh viên cùng với các thầy cô, các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, Đại học Văn hoá TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học KHXH&NV TP.HCM đã trải nghiệm “Mâm cơm cộng đồng”, “Thực đơn bay”, một hình thức du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh phát triển tại đây. Đó không chỉ là một bữa ăn nhà dân thông thường mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ kinh tế, sự chung tay tạo nên một mô hình du lịch bền vững của cộng đồng dân cư trên đảo nhỏ.
Ngoài ra, trong cả quá trình đi tour, các bạn sinh viên đã tuân thủ những tiêu chí về du lịch có trách nhiệm, theo chuẩn Travelife của công ty du lịch IMAGE Travel & Events như uống nước từ bình nước cá nhân, hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích mua hàng OCOP, …
Cuối cùng, sau chuyến đi, từ những gì đã quan sát, lắng nghe, phỏng vấn các nhân vật địa phương, sinh viên sẽ tiếp tục dành thời gian tham dự thêm một buổi báo cáo thu hoạch, nơi họ sẽ trình bày cảm nghĩ, kể lại những trải nghiệm đã học được trong chuyến đi đồng thời chia sẻ các ý tưởng mới về phát triển du lịch bền vững trong thực tế.
Dự án “Đào tạo và Nâng cao nhận thức về Du lịch bền vững tại Việt Nam” không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn cho sinh viên mà còn là cơ hội để họ trở thành những người dẫn dắt sự thay đổi trong ngành du lịch tương lai. Thông qua việc kết nối giữa Giáo Dục, doanh nghiệp và cộng đồng, dự án hứa hẹn sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.
Đinh Nam
https%3A%2F%2Fsohuutritue.net.vn%2Fdao-tao-va-nang-cao-nhan-thuc-cho-sinh-vien-ve-du-lich-ben-vung-o-viet-nam-d239726.html