10.000 người nước ngoài theo học 1 ngành ở Việt Nam, ra trường không lo thiếu việc làm, thu nhập 10-15 triệu đồng trong tầm tay
“Là một ngành mà 10 người nghe thì 9 người hỏi Học xong ra làm gì”, “ngành này hình như chỉ người nước ngoài học”… đó là những câu trả lời quen thuộc khi có ai đó hỏi về ngành Việt Nam học trên các diễn đàn, hội nhóm về các trường đại học.
Dù đã xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng những năm 2001 – 2002, được các trường hàng đầu về khoa học xã hội như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội hay Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM đào tạo, ngành Việt Nam học vẫn là cái tên mơ hồ đối với nhiều người.
Vậy có thật sự đây là ngành chỉ dành cho người nước ngoài? Tốt nghiệp ngành Việt Nam học thì có thể làm được những gì? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho những ai có ý định theo đuổi ngành học thú vị ngày trong tương lai, bởi Việt Nam học không hề khô khan và nhàm chán như lời đồn.
Học gì ở ngành Việt Nam học?
Ngành Việt Nam học (Vietnamese Studies) là ngành khoa học chuyên nghiên cứu toàn diện về đất nước, con người Việt Nam từ những thành tố: lịch sử, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, phong tục tập quán… Sinh viên ngành Việt Nam học được đào tạo 2 khối lượng kiến thức chủ yếu: Nghiên cứu và giảng Dạy văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam và Nghiên cứu, hướng dẫn du lịch.
Theo định hướng đào tạo, cử nhân ngành Việt Nam học có kiến thức tổng quát về lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và hiểu biết tổng thể về đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, các bạn sinh viên cũng sẽ có kỹ năng thực hành về quan hệ quốc tế và năng lực giao tiếp xã hội, sử dụng được một ngoại ngữ trong giao tiếp và trong công tác chuyên môn. Cử nhân Việt Nam học có thể làm việc cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam, nước ngoài, các tổ chức quốc tế…
Đối tượng tuyển sinh của ngành Việt Nam học bao gồm người Việt Nam, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam.
Tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, trong quá trình học tập tại khoa Việt Nam học, sinh viên còn có cơ hội học hỏi, trao đổi với sinh viên quốc tế của hàng chục quốc gia đang theo học tiếng Việt, các nghiên cứu sinh đến nghiên cứu thực địa tại Việt Nam. Theo Thạc sĩ Bùi Văn Tuấn (Phó trưởng khoa Việt Nam học – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), đến năm 2023, đã có hơn 10.000 người nước ngoài học tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa cũng như với các Giáo viên của Khoa tại nhiều trường đại học, nhiều trung tâm Việt Nam học trên thế giới.
Học Việt Nam học có thể làm được gì?
Nếu nói Việt Nam học là ngành không lo thiếu việc làm cũng không ngoa, bởi tất cả kỹ năng cùng ít nhất 1 ngoại ngữ giắt túi giúp sinh viên ngành có thể mở rộng cơ hội việc làm. Các vị trí công việc mà Cử nhân ngành Việt Nam học có thể đảm nhiệm rất đa dạng và phong phú như: Giảng viên, nhà báo, nhà văn, thông dịch viên, biên dịch viên, chuyên viên tư vấn, hướng dẫn viên du lịch…
Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học có thể làm việc tại các cơ quan và tổ chức như: Trung tâm nghiên cứu và khảo cổ học; viện nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức phi chính phủ; các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông hay các tổ chức liên quan đến văn hóa và du lịch.
Sinh viên ngành Việt Nam trường Đại học Lạc Hồng trong các buổi tham quan thực tế và tập huấn nghiệp vụ du lịch
Bên cạnh cơ hội nghề nghiệp, mức lương của ngành Việt Nam học cũng là điều khiến những ai đã muốn tìm hiểu về ngành này quan tâm. Nền tảng tuyển dụng JobsGO cho hay, đối với cử nhân Việt Nam học chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực tế, mức lương dao động từ 6 – 9 triệu đồng/tháng. Còn với người đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề thì mức lương cao hơn, khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, mức lương trong lĩnh vực du lịch và phiên dịch có thể cao hơn, lên đến 30 triệu đồng/tháng.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Việt Nam học tại 2 ngôi trường hàng đầu là Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) như sau:
Danh sách một số trường hiện đang tuyển sinh ngành Việt Nam học trong nước hiện nay:
- Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội
- Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia TP.HCM
- Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2
- Đại Học Công Nghiệp Hà Nội
- Đại Học Ngoại Ngữ – Đại Học Huế
- Đại Học Cần Thơ
- Đại Học Tôn Đức Thắng
- Đại Học Sư Phạm – Đại Học Đà Nẵng
- Đại Học Sài Gòn
- Đại Học An Giang
- Đại Học Bình Dương
- Đại Học Lạc Hồng
- Đại Học Đà Lạt
- Đại Học Vinh
- Đại Học Hải Phòng
- Đại học Thủ Đô Hà Nội
….
Nguyên An (Tổng hợp)
https%3A%2F%2Fcafef.vn%2F10000-nguoi-nuoc-ngoai-theo-hoc-1-nganh-o-viet-nam-ra-truong-khong-lo-thieu-viec-lam-thu-nhap-10-15-trieu-dong-trong-tam-tay-188240925161339249.chn