Khát khao đi học cháy bỏng của hàng trăm sinh viên nghèo Quảng Trị
Quảng Trị là tỉnh thành đông ứng viên gửi hồ sơ đăng ký Học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ nhất. Hàng trăm hoàn cảnh nghèo, có số phận khó khăn cùng cực, tương ứng với hàng trăm nghị lực vươn lên, và khát khao trở thành bác sĩ, cử nhân kinh tế, kiến trúc sư…
Năm ngoái, Phan Thị Thanh Nhàn và anh trai cùng vào đại học trong khi mẹ bị ung thư vú. Để ba yên tâm đưa mẹ đi điều trị, giảm gánh nặng tài chính, Nhàn nghỉ học một năm, ở nhà chăm sóc em trai và cháu gái.
Năm nay, nghe tin con gái đậu ngành răng hàm mặt, Trường đại học Y Dược Huế (Đại học Huế), ông Phan Ngọc lặng đi hồi lâu rồi mới định thần lại được vì nỗi lo tài chính.
Hè 2023, vợ ông là bà Trương Thị Yến Trang (52 tuổi) phát hiện ung thư vú, phải hóa trị, xạ trị một năm liên tục ở Thừa Thiên Huế. Chi phí điều trị lên đến 200 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng được người thân quen, bà con xóm giềng cho. Bà Trang kể gia đình còn lại cuốn sổ ghi rõ từng “món nợ ân tình” của mọi người.
“Ba đưa mẹ đi điều trị suốt một năm liền, tôi ở nhà chăm sóc em trai và cháu. Khi mẹ hóa trị về thì phụ chăm mẹ. Nhìn mẹ tóc rụng dần, thương lắm”, Nhàn nói.
Đến nay mẹ Nhàn đã hoàn thành điều trị nhưng hằng tháng vẫn vào TP Huế tái khám, chi phí thuốc men khoảng 3 triệu đồng/tháng. Riêng anh trai thì vừa học vừa làm, tự lo ăn ở nhưng gia đình vẫn phải hỗ trợ học phí.
Ông Phan Ngọc đưa ra tờ giấy đóng tiền lãi hằng tháng, với các món nợ chồng chất gồm 100 triệu đồng vay sản xuất, chăn nuôi, gần 90 triệu đồng vay sinh viên cho anh chị Nhàn đến giảng đường. Giờ đây khoản nợ đó sẽ tăng dần lên theo bước chân của Thanh Nhàn.
Vụ hè thu năm nay được mùa được giá, gia đình ông Ngọc thu được hơn 2 tấn lúa. Hay tin con gái đậu đại học, ông Ngọc trải tấm bạt giữa sân, liên tục đảo lúa để kịp khô nhằm kêu thương lái đến cân.
Cô nữ sinh Phan Thị Thanh Nhàn
Nhàn kể thích học kinh tế vì tính hoạt bát, thích giao tiếp với mọi người nhưng chi phí đi học ở TP.HCM quá đắt đỏ. Đúng thời điểm này thì ba mẹ đều đau yếu, gặp bệnh tật hiểm nghèo nên Nhàn thay đổi lựa chọn, học y khoa để có kiến thức chăm sóc sức khỏe cho mẹ.
“Tôi tính học ngành răng hàm mặt có thời gian vừa đủ, nhu cầu của xã hội đang cao, cơ hội có Việc làm ổn định cao hơn để có thể nhanh chóng giúp đỡ bố mẹ. Xa hơn thì giúp đỡ, trả ơn phần nào bà con, xóm giềng đã hỗ trợ gia đình trong lúc hoạn nạn”, Nhàn nói.
Lên thành phố trọ học, Nhàn dự định tìm việc gia sư để đỡ một phần gánh nặng cho gia đình.
Cô Bùi Nguyễn Linh Giang (Trường THPT Đông Hà) – chủ nhiệm Thanh Nhàn năm lớp 11 và lớp 12 – cho hay em xứng đáng có một suất học bổng “Tiếp sức đến trường” để viết tiếp ước mơ. “Trước kỳ Thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, em đã tâm sự dừng lại một năm để lo việc gia đình. Em học rất giỏi, cực kỳ nghiêm túc, ý chí mạnh mẽ. Em cũng là lớp trưởng trong 2 năm đầu cấp, tinh thần trách nhiệm với tập thể”, cô Giang cho hay.
Thực hiện: HOÀNG TÀO – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TRINH TRÀ
Ngày Oanh nhận tin trúng tuyển ngành kiến trúc Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, ba Oanh mừng nhưng thêm ưu phiền vì chi phí đắt đỏ.
Nhà Lê Thị Ngọc Oanh ở vùng quê lúa chiêm trũng xã Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Cuối năm THCS, Oanh ẵm về cho ngôi trường làng giải 3 môn toán cấp tỉnh. Cô được các thầy cô khuyên thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà, Quảng Trị). “Ba mẹ nói ở nhà ăn rau ăn khoai, chứ lên thành phố không có tiền, tôi khóc năn nỉ mãi”, Oanh nhớ lại.
Lên thành phố trọ học, biết nhà khó khăn, Oanh chi tiêu tằn tiện, sáng nhịn ăn, tối đi nhờ xe với bạn, có hôm ăn mì tôm. Nhiều khi hết tiền, Oanh chỉ biết cố gắng học tập chứ không xin tiền ba mẹ.
Thầy Đậu Anh Hùng – chủ nhiệm 3 năm liền – cho hay Oanh là một trong những bạn nữ học toán xuất sắc nhất. “Em rất nỗ lực vượt khó, học giỏi, tham gia các hoạt động nhiệt tình, hòa nhã, vui vẻ với bạn bè”, thầy Hùng đánh giá.
Oanh có 2 năm liền đoạt giải 3 Học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán, 4 kỳ liên tiếp đoạt học bổng môn chuyên của trường. Oanh cũng tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhặt rác ở nhiều nơi, các chương trình thiện nguyện của lớp và trường…
Ông Lê Thanh Tùng – ba Oanh – cho hay hai vợ chồng làm 5.000m2 ruộng, trong đó hơn một nửa diện tích là ruộng thuê nên cuối vụ phải trả lúa, rồi còn chi trả tiền máy cày, máy gặt, phân bón, giống… nên số lúa dư ra không bao nhiêu, chỉ vừa đủ chăn nuôi heo gà.
“Tôi cũng làm thêm thợ xây nhưng công việc 2 năm trở lại đây kém quá, máy trộn bê tông, giàn giáo, ván… bỏ không”, ông Tùng nói.
Bà Hồ Thị Thúy – mẹ Oanh – ở nhà nuôi heo, thả đàn gà nhưng vùng chiêm trũng mùa mưa nước ngập nên không phát triển đàn gà số lượng lớn được. Năm nào nước lụt cũng vào đến sân nhà Oanh, còn ngoài đường thì ngập ngang bụng trở lên. Nhớ năm 2020 lụt to, nước vào nhà đến ngang cửa sổ, đồ dùng thì kê dọn được nhưng 3 con heo nái, 14 con heo thịt vì ngâm nước mà chết sạch.
Họ vay chính sách 80 triệu đồng để chăn nuôi, trồng trọt, 20 triệu đồng làm hệ thống nước sạch vì vùng trũng nhiễm phèn nhưng mãi chỉ trả được tiền lãi. Ông Hồ Như Núi – trưởng thôn Đôn Quế – nói gia đình Ngọc Oanh khó khăn, dù hai vợ chồng chịu khó làm lụng, bôn ba khắp nơi. “Tôi gần nhà nên biết. Ông Tùng đi làm thợ ở Bình Phước nhưng không có việc nên về quê, mà ở quê cũng thiếu việc. Còn đồng ruộng thì không thể dư dả được”, ông Núi nói.
“Con cái học không được thì mới cho nghỉ, chứ nó học giỏi mà cho nghỉ thì tủi lắm. Khoản nợ khoanh lại đó, hai vợ chồng gắng làm lụng rồi vay thêm tiền sinh viên cho cháu nhập học trước mắt đã”, ông Tùng nói.
Oanh nói sẽ đăng ký ở ký túc xá, tìm việc gia sư Dạy toán hoặc vẽ, bí quá sẽ đi phục vụ quán cà phê, nhà hàng để phụ tiền sinh hoạt.
Bình dùng tiền làm thêm mua tặng mẹ chiếc quần tây nhân sinh nhật, tặng em trai út bộ đồ siêu nhân khi vào lớp 1. Em khát khao đến giảng đường để sau này nuôi em trai út phụ bố mẹ.
Vừa xong kỳ thi THPT quốc gia, Nguyễn Thanh Bình (phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) đã đôn đáo tìm việc làm thêm để dành dụm tiền lo cho chặng đường dài đại học.
Mỗi dịp hè và Tết suốt 3 năm qua, Bình đều tìm việc phụ bán cà phê, trà sữa. Một giờ công được trả 13.000 đồng, mỗi tối khoảng 60.000 – 80.000 đồng. Hôm nào mưa, vắng khách thì về sớm, nhưng lòng em lại buồn hơn vì tiền công vơi đi.
“Có hôm kiểm thiếu tiền, đến 23h30 mình mới về. Thiếu tiền thì nhân viên phục vụ chia ra để bù vào. May mắn là toàn khách quen nên chưa bù lần nào”, Bình kể.
Bình sắp nhập học ngành kinh tế tại Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Lần giở hai chiếc quần jean mà hai chị em gái mặc chung, Bình đắn đo “rồi em gái sẽ mặc gì?”. Hành trang nhập học của cô là hai tháng lương làm thêm gần 4 triệu đồng, Bình tính mua thêm hai bộ áo quần tây và sơ mi trắng theo yêu cầu của nhà trường để lên giảng đường, mua thêm ba cái áo thun mặc lúc đi làm thêm, dùng cặp sách cũ. “Mình tìm hiểu thì các anh chị khóa trước nói cần chuẩn bị tiền để nhập học, nhưng mình không biết…”, cô ngập ngừng.
Rồi Bình nhanh chóng khoe vào Đà Nẵng, cô đã tìm hiểu thấy tuyển nhân viên rạp phim, bán hàng các cửa hàng tiện lợi, quán ốc lương từ 20.000 – 22.000 đồng/giờ. “Chờ xem lịch học rồi mình sẽ xin việc ngay, nếu thuận lợi thì dự tính cũng được 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng để phụ tiền ăn cho bố mẹ”, Bình nói.
Tiền ở, học phí thì vẫn xoay chưa ra. Bà Trần Thanh Thủy, mẹ Bình, ngồi bên. Người phụ nữ 45 tuổi thẫn thờ.
May thay, một người bạn của mẹ cho Bình ở nhờ trong vài tháng đầu ở quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), cách trường khá xa. “Con ở tạm thời gian ngắn rồi tìm cách ra ở trọ gần trường tiện ăn học. Hơn nữa nhà bạn cũng chật”, bà Thủy bộc bạch.
Ba Bình làm thợ mộc truyền thống nhưng xu hướng đồ gỗ công nghiệp, nhôm kính lên ngôi nên việc ngày càng ít. Năm hôm trước, ông tất tả bắt xe lên vùng biên giới, qua Lào làm cho một người quen. “Người ta bao ăn ở nên hy vọng 10 ngày anh ấy dành dụm được ít để đưa cháu nhập học”, mẹ Bình nói.
Bà Thủy phụ việc ở xưởng mộc mỹ nghệ, cả ngày chịu cảnh mùi hôi hóa chất, bụi gỗ, tối về ê ẩm người, nhiều khi ăn cơm không được. Thu nhập của chồng từ 300.000 – 350.000 đồng/ngày, còn của bà 200.000 – 250.000 đồng nhưng bấp bênh, mùa mưa gần như thất nghiệp, ai kêu gì làm nấy.
Hai năm trước, ba Bình bị gỗ bật gãy xương hàm phải bắt vít đến giờ vẫn không dám vào viện tháo vít. “Nhà có sổ cận nghèo nên có bảo hiểm đỡ phần nào, nhưng cũng phải lận lưng ít nhiều vì sợ có thuốc ngoài bảo hiểm, rồi chi tiêu phát sinh”, bà Thủy nói.
“Cháu có hỏi cho con đi học được không, nếu không, con nghỉ học để đi làm. Ba nó nói cực gì thì cực, phải gắng cho con đi học. Giờ trong tay chưa có nghìn nào nhưng gắng xoay xở, vay tiền sinh viên, dự định có đôi ba triệu rồi tính tiếp. Không cho con đi học thì tội!”, bà Thủy nói.
Không chỉ Bình, em gái năm nay lên lớp 10 cũng đi làm thêm suốt 3 tháng hè để tự chuẩn bị cho năm học mới. Gia đình đã đi xin được sách vở rồi, nhưng đồng phục phải may mới, áo quần thể dục, cặp đồng phục, học phí…
Dù gian nan nhưng Bình kiên định, đôi mắt sáng, nụ cười tươi. “Qua năm 2 mình sẽ mua thêm tín chỉ để rút ngắn thời gian học. Hứa với bố mẹ 10 năm nữa mình sẽ nuôi em trai út đang học lớp 3 vào giảng đường”, Bình tự tin.
Tháng trước, ba của Trần Thị Ánh Nguyệt lên cơn động kinh rồi ngã ở vườn, nay bị liệt toàn thân, mất ý thức. Để phụ mẹ chăm ba, Nguyệt dự tính ở nhà đi làm thêm một năm rồi năm sau sẽ thi lại.
Tám năm qua, tai ương và bệnh tật liên tục ập đến trên đôi vai gầy của Trần Thị Ánh Nguyệt, trú thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị. Năm 2016, em trai út mất vì ung thư tủy. Nay thì ba đổ bệnh ngay trước ngưỡng cửa giảng đường đại học của Nguyệt.
Bà Lê Thị Tỷ – mẹ Nguyệt – cho hay ba Nguyệt có bệnh thần kinh kết hợp với động kinh nhiều năm qua. “Đôi khi ông ấy ra giữa đường gây lộn với hàng xóm, rồi còn đòi đốt sách vở của Nguyệt, không cho cháu đi học”, bà Tỷ nói trong tủi hờn.
Chồng không lao động được, bà Tỷ trở thành trụ cột của gia đình sáu người. Nhà đông người, ở vùng quê thuần nông lại liên tục bị dồn nén bởi bệnh tật. Năm 2015, người con trai út phát hiện bị ung thư tủy, phải điều trị 2 năm ở Thừa Thiên Huế và Hà Nội.
“Bác sĩ nói phải thay tủy thì có thể kéo dài thêm 5 năm. Tôi rao bán nhà để chạy chữa cho con mà không ai mua. Một năm sau thì cháu mất”, bà Tỷ nhớ lại.
Do 2 năm chăm bệnh cho em trai, người chị thứ 2 trong nhà phải nghỉ học lúc đang lớp 8. Chị gái đầu thấy mẹ quá cực nuôi các con cũng xin nghỉ học từ năm lớp 11, đi học nghề làm tóc. Đến nay, cả hai chị đều đã lấy chồng. Giờ đây, Nguyệt trở thành đốm lửa thắp sáng tương lai cho bà Tỷ và chồng.
Nếu không có bạo bệnh ập đến, bà Tỷ dự tính đi TP.HCM làm giúp việc, gửi tiền về nuôi con gái út ăn học và chu cấp cho chồng. Nào ngờ 2 tuần trước, Nguyệt chở mẹ đi bệnh viện khám u tuyến nước bọt thì ở nhà, ba động kinh ngã lăn ra vườn.
Ngay trước ngưỡng cửa đại học, tin buồn ập đến, ba Nguyệt bị chấn thương đốt sống cổ thứ 3, liệt toàn thân, mất ý thức. “Hôm đó Nguyệt khóc dữ lắm. Nó vừa thương ba, vừa cám cảnh vì cánh cửa đại học gần như khép lại”, bà Tỷ thổn thức.
Nguyệt kể 5 năm từ 2019 – đầu 2024, cô ở nhà vừa học, vừa chăm ba vì mẹ đi TP.HCM giúp việc nhà. “Hôm nào ba tỉnh thì ở nhà nấu cơm, tôi về nấu thức ăn. Có hôm muộn quá phải ăn mì tôm đến trường”, Nguyệt kể.
Nhớ năm 2020, lũ tràn vào nhà ngập đến 1m, Nguyệt bưng bê được ít tài sản lên cao, còn lại nổi lềnh bềnh trong nước lũ. Cái tivi quý nhất nhà cũng bị ngập nước, hư hoàn toàn nhưng đến nay ba Nguyệt không cho vứt đi, vẫn treo bên tường nhà. Quanh nhà vẫn còn vệt vàng của nước lũ để lại.
Vượt qua nghịch cảnh, thiếu sự chăm sóc, đỡ đần của ba mẹ, Nguyệt vẫn học giỏi và đậu vào ngành quản trị khách sạn Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
“Tôi vừa đặt cọc phòng trọ xong thì ba đau. Giờ mẹ không thể đi TP.HCM làm giúp việc nữa. Tôi đang xin mẹ nghỉ học một năm. Tôi hỏi vài chỗ làm tại cửa hàng bán áo quần, phục vụ cà phê lương 3 – 5 triệu đồng.
Năm sau hy vọng ba đỡ hơn, mình dành dụm được ít sẽ thi lại rồi vừa học vừa làm, đỡ đần cho mẹ. Tôi sẽ cố gắng học để có tương lai hơn”, Nguyệt nghẹn ngào.
Nguyệt cho hay nếu có học bổng, cô sẽ nộp học phí khoảng 13 triệu đồng/kỳ, rồi tìm việc gia sư, nhân viên bán hàng, phục vụ cà phê…
“Nếu báo Tuổi Trẻ giúp cháu thì tôi phụ vay thêm tiền cho con đi học để thay đổi cuộc đời cháu. Mẹ cố gắng, con cũng cố gắng”, bà Tỷ bộc bạch.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho Tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, nhân vật mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
HOÀNG TÁO
27-9
https%3A%2F%2Ftuoitre.vn%2Fkhat-khao-di-hoc-chay-bong-cua-hang-tram-sinh-vien-ngheo-quang-tri-20240917152218499.htm