Dự kiến nới quy định về dạy thêm, giáo viên đồng tình
Chủ nhật, 25/08/2024 11:20 (GMT+7)
–Các quy định về Dạy thêm, Học thêm hiện nay thực hiện theo Thông tư 17 năm 2012.
Thông tư 17 yêu cầu giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với Học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Giáo viên cũng không dạy thêm với Học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Dự thảo mới đã bỏ điều này. Song, việc dạy thêm, học thêm phải tuân thủ theo nhiều quy định, chẳng hạn: Chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, Giáo dục nhân cách của học sinh; thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi,…
Giáo viên không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh,…
Là giáo viên công tác giảng dạy hơn 37 năm trong ngành giáo dục, tôi cho rằng, việc dạy thêm học thêm là nhu cầu thực tế đang tồn tại và phát triển theo sự tiến bộ của xã hội có tính khách quan nên không thể nói cấm hay không cấm.
Về phía người học, nhiều học sinh trên lớp không theo kịp nắm được kiến thức, phụ huynh không có điều kiện để chỉ bảo, nên có nguyện vọng cho con học thêm. Còn về phía giáo viên, dạy thêm là vì đồng lương chưa đủ sống, nhằm tăng thêm thu nhập. Nhu cầu này không sai, nhưng điều đáng nói, không ít thầy cô không kiềm chế được ma lực của đồng tiền đã tìm mọi cách để lôi kéo học sinh đi học thêm với mình.
Đây mới chính là điều gây bức xúc cho nhiều người, xã hội lên án.
Thông tư 17.2012 được xem là cơ sở pháp lý để quản lý việc dạy thêm và học thêm đi vào nền nếp. Tuy vậy qua 12 năm thực hiện thông tư thực tế có nhiều vấn đề mà ngành giáo dục chưa thể kiểm soát được đó là việc dạy thêm học thêm ngày càng tràn lan, nảy sinh nhiều tiêu cực: Ép học sinh đi học thêm, dạy trước chương trình, học thêm vì điểm số… nhất là thầy cô thiếu tâm, nặng về thương mại, tài chính.
Việc Bộ GDĐT ban hành dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm cho thấy, với vai trò cơ quan quản lý giáo dục cao nhất, Bộ GDĐT đang có những giải pháp và định hướng để việc dạy thêm học thêm có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Song, nội dung dự thảo thông tư mới Bộ GDĐT lấy ý kiến chỉ có nội dung cũ của thông tư 17.2012 được giữ lại đó là “không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày” (theo khoản 1, Điều 4, thông tư 17.2012).
Vấn đề nhiều thầy cô còn băn khoăn đó là đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập có được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tham gia dạy thêm ngoài nhà trường… nữa hay không. Điều này dự thảo thông tư mới chưa đề cập đến. Rất mong Bộ GDĐT cần làm rõ hơn nội dung này. Đây chính là điều cốt lõi nhiều thầy cô kiến nghị, góp ý.
Tóm lại, việc dạy thêm học thêm là nhu cầu và không có lý do để cấm, vì vậy, ngành giáo dục cần tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện vào Luật kinh doanh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng hợp pháp của thầy cô khi dạy thêm và học sinh tham gia học thêm.
Có như vậy việc quản lý dạy thêm và học thêm mới có hiệu lực và hiệu quả, có cơ sở để kiểm, tra giám sát, xử lý những tiêu cực vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh một cách công bằng, khách quan, minh bạch.
https%3A%2F%2Flaodong.vn%2Fgiao-duc%2Fdu-kien-noi-quy-dinh-ve-day-them-giao-vien-dong-tinh-1384422.ldo