Dạy “chay” vì thiếu thiết bị

Dạy “Chay” Vì Thiếu Thiết Bị

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết dù Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) đã triển khai ở tất cả các khối lớp nhưng tỉ lệ thiết bị Dạy Học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng hơn 50%. Các trang thiết bị phục vụ dạy các môn tin học, ngoại ngữ còn hạn chế.

Thiết bị dạy học mới đáp ứng 50%

Về phòng học bộ môn, Bộ GD-ĐT nhận định cơ bản các trường đều có phòng học bộ môn, song cấp tiểu học còn thiếu nhiều. Để thực hiện chương trình mới, các địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung thêm phòng học bộ môn tin học và ngoại ngữ cho cấp tiểu học. Trong khi đó, về thư viện, tuy cơ bản các trường phổ thông đều có thư viện nhưng quy mô, chất lượng không đồng đều, nhiều thư viện mới chỉ là nơi lưu trữ các học liệu mà chưa có phòng đọc cho Học sinh.

Về thiết bị dạy học, tỉ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng 50,63%. Cụ thể: Cấp mầm non đáp ứng 54,52%; cấp tiểu học đáp ứng khoảng 51,31%; cấp THCS đáp ứng khoảng 50,68%; cấp THPT đáp ứng khoảng 49,51%.

Chật Vật Với Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông Mới (*): Dạy

Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: ĐẶNG TRINH

Đơn cử tại Thanh Hóa, dù ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo chương trình mới, nhưng thực tế, tình trạng thiếu trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở các trường học địa bàn miền núi như Ngọc Lặc, Quan Hóa… trong khi tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa cấp thiết bị, đồ dùng dạy học khiến nhiều trường đang lo lắng sẽ phải dạy “chay” và học chay thời điểm đầu năm học mới.

Theo tìm hiểu, từ khi có chương trình mới, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được cấp phát 1 lần. Tuy nhiên, trong 2 năm học vừa qua, các trường đã không được cấp (đặc biệt là các huyện miền núi) nên đã ảnh hưởng rất lớn tới việc dạy học. “Trong chương trình mới có rất nhiều các thiết bị học tập, trong đó các huyện miền núi thường thiếu tivi, là thiết bị cần thiết cho việc học trực quan. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi phải xin huyện hoặc các mạnh thường quân, vận dụng các thiết bị sẵn có để dạy học. Nhà trường mong muốn sớm được cấp phát để đáp ứng đủ điều kiện dạy và học” – một hiệu trưởng trường THCS tại huyện Quan Sơn, cho hay.

Trao đổi với Báo Người Lao Động về việc này, ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Lặc, cho biết địa phương có 79 trường học các cấp với 38.000 học sinh. Việc thiếu các thiết bị, đồ dùng dạy học đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của địa phương.

Theo ông Toàn, để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới, phòng GD-ĐT huyện đã đề nghị các nhà trường cố gắng tận dụng thiết bị, đồ dùng cũ để dạy cho học sinh (HS).

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 2.026 cơ sở giáo dục. Trước tình trạng thiếu thiết bị, sở đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt dự toán mua sắm thiết bị dạy học cho các lớp 3, 7, 10, dự kiến hoàn thành trong học kỳ 1 năm nay, với kinh phí 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc mua sắm trang thiết bị dạy học vẫn chưa thể triển khai.

“Không biết mua thiết bị ở đâu”

Không chỉ ở các tỉnh, ngay tại TP HCM việc thiếu thiết bị dạy học đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy học. Thầy Vũ Hoàng Sơn, Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết với chương trình mới Giáo viên (GV) đi dạy vừa mừng vì thiết bị, nhưng cũng… vất vả vì thiết bị.

Chật Vật Với Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông MớiChật vật với chương trình giáo dục phổ thông mới

2024-2025 là năm học mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về đích khi phủ sóng toàn bộ cấp học. Đây là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10, lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình này. Tuy nhiên, việc dạy và học còn nhiều bất cập

Theo thầy Sơn, mừng ở chỗ là HS, nhất là độ tuổi tiểu học cần giờ dạy có tính trực quan, sinh động, thu hút nhưng điều này cũng yêu cầu GV phải nỗ lực thay đổi, từ cách soạn bài giảng để làm sao vừa tận dụng các trang thiết bị dạy học, thay vì chỉ đơn thuần là bảng đen, phấn trắng như trước kia vừa để HS thấy thích thú với bài giảng.

Tuy nhiên, theo thầy Sơn, không phải lớp học, trường học nào cũng được đầu tư trang thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại như ti vi, máy chiếu, bảng tương tác và các trang thiết bị khác. Thực tế ngân sách nhà nước đầu tư có hạn, phải có sự chung sức từ các nguồn xã hội hóa…

Thầy Sơn cho biết thực tế còn nhiều đồng nghiệp phải thực hiện bài giảng theo hình thức lớp học đảo ngược, đó là cung cấp kiến thức trước, để HS tìm hiểu, liên hệ thực tế sau.

GV một trường THPT tại TP Thủ Đức (TP HCM) cho biết thời gian đầu triển khai chương trình mới, theo yêu cầu bài học và đặc thù của một số môn, buộc phải mua sắm những bộ thí nghiệm, để các em thực hành, ít nhất phải mua 3-4 bộ. Mỗi bộ thí nghiệm giá cả 50-60 triệu đồng, thậm chí gần 100 triệu đồng/bộ. Điều này là không khả thi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều quy định đã thoáng hơn, chủ yếu do người đứng đầu nhà trường xét duyệt. Theo quy trình, trong quá trình giảng dạy, GV bộ môn đó với sách đó nếu thấy cái gì cần mua thì đề xuất, hiệu trưởng nào thấu hiểu thì đồng ý hoặc ngược lại. Tuy nhiên, hiện nay có khó khăn ở chỗ là hầu hết các trường, các trang thiết bị dạy học theo chương trình mới đều mua ở một nơi là trung tâm thiết bị trường học. Tuy nhiên, có những trang thiết bị phục vụ dạy học theo chương trình nhưng trung tâm này không có, các trường không biết mua ở đâu. “Ở một số trường, có tiền cũng không mua được trang thiết bị. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được cung cấp ngoài địa chỉ trên thì các trường có thể mua sắm trang thiết bị dạy học ở đâu” – phó hiệu trưởng một trường THPT cho biết.

Sở GD-ĐT thành phố cho biết năm 2024, trong công tác sửa chữa, mua sắm trang bị cơ sở vật chất – đồ dùng dạy học, các đơn vị sẽ tự cân đối nguồn kinh phí được giao, tiết kiệm để thực hiện việc sửa chữa và mua sắm nhằm đáp ứng điều kiện dạy và học.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố cho biết sở cũng đã có các văn bản chỉ đạo kịp thời để chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, đối chiếu danh mục trang thiết bị dạy học tối thiểu được Bộ GD-ĐT quy định làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Đồng thời, sở triển khai cơ sở dữ liệu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT. 

Ảnh hưởng lớn đến dạy học

Bộ GD-ĐT cho biết tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp (mới chỉ đạt 50,63%).

Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Một số địa phương, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chưa dành các nguồn ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các địa phương đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng và hiệu quả khi triển khai chương trình mới.

Thiếu phòng học, căng thẳng sĩ số lớp

Theo Bộ GD-ĐT số phòng học kiên cố cả nước là 521.942 phòng, đạt tỉ lệ kiên cố hóa là 85,5%, trong đó, các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL có tỉ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sở GD-ĐT TP HCM cho biết năm học 2024 – 2025, toàn thành phố tăng 24.097 HS (gồm: 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập). Bình quân mỗi năm số HS tăng thêm các cấp học khoảng 25.000 HS, áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học), chưa đủ điều kiện tổ chức cho 100% HS tham gia học 2 buổi/ngày. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không phát triển kịp số lượng HS tăng, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số HS nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách. Sở GD-ĐT thành phố cho biết hiện nay địa bàn một số quận, huyện vẫn còn nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 HS/lớp, làm hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-9

Kỳ tới: Thấp thỏm đổi mới thi cử

Kỳ trước: “Khủng hoảng” vì chọn môn học

https%3A%2F%2Fnld.com.vn%2Fchat-vat-voi-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-day-chay-vi-thieu-thiet-bi-196241001203739895.htm

Avatar Of Hải Anh

Hải Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *