Giáo viên, phụ huynh, học sinh Nghệ An nói gì về phương án bốc thăm môn thi vào lớp 10?
Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 phương án: xét tuyển hoặc thi tuyển. Nếu xét tuyển, các địa phương căn cứ vào Học bạ THCS. Trường hợp thi tuyển, kỳ thi diễn ra với 3 môn, gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên trong các môn cho điểm, thuộc chương trình mới. Môn thứ 3 sẽ được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Những Học sinh thi trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên tương ứng.
Dù chỉ mới là dự thảo và đang chờ góp ý, thông tin này trong những ngày qua đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
Báo Nghệ An ghi lại ý kiến của các phụ huynh, học sinh và các nhà trường xung quanh vấn đề này.
Học sinh Trần Thảo Uyên – Lớp 9A, Trường THCS Bến Thủy (thành phố Vinh)
Là học sinh cuối cấp nên em thực sự rất lo lắng trước Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt đây là năm đầu tiên chúng em thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, hiện nay ngoài học ở trường chúng em đang Học thêm cả ở trong và ngoài trường, lịch học và chương trình học rất vất vả. Vì thế, em mong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 giữ nguyên sự ổn định, để tránh xáo trộn tâm lý cho học sinh và để chúng em ôn thi thuận lợi. Nếu bốc thăm, học sinh sẽ phải học nhiều môn và điều đó là quá tải với chúng em.
Cô Dương Thị Hương – Giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Nghĩa Hành (Tân Kỳ)
Tôi cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng việc bốc thăm môn thi thứ 3 khi các em đã bước vào năm học thì sẽ rất khó khăn cho các học sinh và tạo áp lực cho học trò. Thực tế, các em đã ôn thi lớp 10 từ dịp hè.
Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng sẽ đem đến sự tiến bộ nhưng cần có lộ trình để phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị. Nhiều năm nay, ngành Giáo dục Nghệ An đang áp dụng môn thi thứ 3 là môn tiếng Anh và tôi thấy điều này rất tốt, dù là ở một trường miền núi như ở trường chúng tôi. Việc học tiếng Anh sẽ giúp các em phát triển, hội nhập hơn trong tương lai và giúp ích cho các em trong học tập và trong công việc sau này.
Trong trường hợp phải thay thế môn tiếng Anh bằng môn khác, tôi mong sẽ thi môn Lịch sử hoặc môn Giáo dục công dân. Đây là những môn học gắn với thực tế, giúp các em hiểu về luật, biết về lễ nghĩa, cư xử hoặc biết hơn lịch sử nước nhà. Chúng tôi mong một kỳ thi vẫn phản ánh được chất lượng Dạy học và không tạo áp lực cho thí sinh. Và để tránh áp lực, trước tiên phải có thời gian để học sinh chuẩn bị. Chúng ta nói chương trình mới giúp học sinh phát triển phẩm chất năng lực nhưng thực chất học sinh vẫn phải dành thời gian để học tập quá nhiều.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giáo viên Trường THCS Bến Thủy (thành phố Vinh)
Tôi thấy thực sự áp lực. Nhiều phụ huynh còn ví kỳ thi tuyển sinh lớp 10 áp lực hơn kỳ thi vào đại học, kỳ thi căng nhất đời học sinh. Bởi lẽ, nếu như kỳ thi vào đại học các em có rất nhiều cơ hội để lựa chọn. Nhưng với kỳ thi lớp 10, nhất là ở thành phố Vinh các em chỉ có 3 trường công lập và số lượng học sinh dự thi hàng năm rất đông.
Năm học 2024 – 2025, kỳ thi được triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng rất lo lắng. Thực tế hiện nay chúng tôi cũng chưa định hình được cấu trúc đề thi sẽ như thế nào và nhiều phụ huynh đã hỏi về vấn đề này, trong khi nhiều tỉnh, thành khác đã ban hành. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi vẫn đang cố gắng dạy học bình thường.
Là giáo viên chủ nhiệm, trong những ngày qua, tôi cũng nhận được các câu hỏi của phụ huynh về môn thi thứ 3. Điều đó, cho thấy phụ huynh rất lo lắng và quan tâm về vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng, nếu thời điểm này chúng ta tổ chức bốc thăm sẽ càng tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh. Chưa kể, nếu môn thứ 3 sẽ công bố vào tháng 3, trước kỳ thi chỉ hơn 2 tháng thì sẽ rất vất vả.
Hiện nay, Kỳ thi vào lớp 10 đang triển khai với 3 môn Ngữ văn – Toán và tiếng Anh. Nếu kỳ thi vẫn duy trì các môn này, tôi nghĩ phụ huynh, học sinh sẽ yên tâm phần nào. Thực ra, lâu nay phụ huynh đầu tư cho con học, ngoài Văn và Toán, phụ huynh thường chú trọng vào tiếng Anh vì đây là xu thế xã hội. Còn các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý trong bối cảnh hiện nay việc dạy cho bài bản còn rất khó vì thiếu giáo viên. Có rất ít giáo viên đảm nhiệm được cả 3 môn và còn phải dạy ghép. Chương trình hiện nay, giữa các môn học cũng có sự gián đoạn nên việc tiếp nhận của học sinh cũng bị hạn chế.
Thầy Nguyễn Vương Linh – Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn)
Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lý do để đưa ra dự thảo bốc thăm môn thi thứ 3. Điều đó, sẽ giúp học sinh học đều, không bỏ các môn học khác và phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi cần phải có lộ trình để tránh gây hoang mang trong dư luận và học sinh.
Với dự thảo hiện nay, nếu đi vào thực hiện tôi quan tâm đến 3 vấn đề, đó là: Khi triển khai bốc thăm phải thực hiện thế nào cho khách quan và nên chăng có sự tham gia của một số hiệu trưởng các trường THCS, đại diện cha mẹ học sinh. Thứ hai, nếu thực hiện năm nay sẽ không phù hợp vì các em đã học được hơn 2 tháng và nếu thay đổi các em sẽ chưa chuẩn bị được tâm thế. Ngoài ra, cần lựa chọn môn thứ 3 nào cho phù hợp. Thực tế, hiện nay như với môn Khoa học tự nhiên, học sinh phải học đến 3 môn, các em rất ngại, kể cả những em thi học sinh giỏi. Trong trường hợp nếu thi quá nhiều môn, sẽ tăng khó khăn cho học sinh và không đạt được mục tiêu giảm áp lực, giảm tải cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như mục tiêu của dự thảo đã đề ra.
Chị Lê Thị Ngọc Phương – phụ huynh tại xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn
Con gái tôi đang học lớp 9 ở Trường THCS Phú Thọ và cháu đang đặt mục tiêu sẽ thi đậu vào Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Dù con học khá và đang nằm trong danh sách của nhà trường dự Kỳ thi học sinh giỏi huyện môn tiếng Anh nhưng tôi biết con rất áp lực vì tỷ lệ chọi vào trường nội trú cũng rất cao.
Chúng tôi mong muốn kỳ thi vào lớp 10 sẽ giữ ổn định như nhiều năm nay để tránh xáo trộn tâm lý các con. Trong trường hợp phải bốc thăm và công bố môn thi thứ 3, tôi cho rằng không nên kéo dài đến ngày 31/3.
Liên quan đến việc lấy ý kiến dự thảo, theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bốc thăm môn thi thứ 3 sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ và có sự thống nhất giữa các địa phương. Trước đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do các địa phương quy định cụ thể về phương thức, số môn thi. Vì thế, có những địa phương thi 3 môn và cũng có những tỉnh, thành thi 4 môn. Tại Nghệ An, nhiều năm trước tỉnh vẫn thực hiện bốc thăm môn thi thứ 3 nhưng hầu hết đều chọn môn tiếng Anh.
Đến đầu các năm học 2020 – 2021, 2021 – 2022, ngoài môn Ngữ văn và Toán, tỉnh tổ chức thi thêm bài thi môn tổ hợp gồm 3 môn là Ngoại ngữ và 2 môn còn lại được bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tuy nhiên, phương án này chỉ thực hiện trong vài năm học rồi thay đổi vì gây áp lực quá lớn cho học sinh.
https://baonghean.vn/giao-vien-phu-huynh-hoc-sinh-nghe-an-noi-gi-ve-phuong-an-boc-tham-mon-thi-vao-lop-10-10282164.html