Theo dự thảo, Học sinh, Sinh viên đang theo Học các chương trình Giáo dục chính quy, đủ tuổi lao động theo quy định, sẽ được phép làm việc theo các quy định của pháp luật lao động. Tiền lương của họ được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.
Trước đó, trong đợt lấy ý kiến từ tháng 6 đến tháng 7, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã đề xuất cho phép sinh viên được làm việc tối đa 24 giờ mỗi tuần, tăng thêm 4 giờ so với quy định trong dự thảo hồi tháng 3. Dự kiến, dự án Luật Việc làm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10 này.
Thuận lợi cho sinh viên
Trước thông tin về việc bỏ đề xuất giới hạn giờ làm thêm cho sinh viên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo Dục Việt Nam, Đỗ Hùng Mạnh, sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, em đã trải qua khá nhiều công việc khi bắt đầu đi học đại học. Gần như công việc nào cũng yêu cầu người làm bán thời gian phải theo ca, mỗi ca 4 – 8 giờ/ngày tùy theo lịch học, một tuần Mạnh làm khoảng 6 ca.
Như vậy, thực tế mỗi tuần thời gian làm việc của sinh viên từ 36 – 48 giờ. Nếu theo như quy định cũ của dự thảo sẽ quá quy định từ 12 – 24 giờ.
Cũng theo Mạnh, nhu cầu làm thêm của sinh viên rất lớn và đó cũng là cách để có thêm chi phí sinh hoạt. Việc bỏ đề xuất này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên trong việc tìm kiếm công việc bán thời gian để trang trải, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Đồng quan điểm, Nguyễn Quỳnh Hương, sinh viên năm 3, Học viện Ngân hàng cho biết: “Trước đây khi có đề xuất giới hạn giờ làm thêm của sinh viên, em đã không khỏi lo lắng. Bởi nhiều đơn vị tuyển dụng lao động yêu cầu từ 4 – 8 giờ/ngày. Có nơi yêu cầu mỗi ca tối thiểu 5 giờ làm việc. Sinh viên thường chọn ca 4 – 5 giờ/ngày để buổi còn lại dành cho việc học.
Công việc hiện tại em đang làm thêm có ưu tiên hỗ trợ xoay ca cho sinh viên. Nhưng thời gian làm việc của mỗi ca là 4 giờ, một tuần em sẽ làm khoảng 5- 6 ca.
Việc sinh viên đi làm thêm cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng khác mà không có trên giảng đường. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu cần phải biết cách sắp xếp thời gian làm việc một cách hợp lý, nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc học và sức khỏe”.
Cần cân bằng giữa việc học và làm
Bàn về vấn đề này, theo Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị – Sinh viên, Trường Đại học Mỏ – Địa chất cho biết, việc này nên được tiếp cận theo 2 hướng cả về người sử dụng lao động và sinh viên.
Sinh viên có quyền được lao động, được tiếp cận với các công việc gắn với chuyên môn. Trong đó, một số em khi đi thực tập tại doanh nghiệp, họ yêu cầu sinh viên phải đến doanh nghiệp để làm việc. Các em được nhà tuyển dụng lao động trả lương luôn trong quá trình vừa học vừa thực tập nên nếu quy định cứng giới hạn giờ làm thêm của sinh viên sẽ là một trong những khó khăn khi các em bước vào kì thực tập.
Bên cạnh đó, với những sinh viên có học lực khá, quá trình học tập bình thường, các em hoàn toàn có thể đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập cũng như trau dồi thêm các kỹ năng, sớm tiếp cận với thị trường lao động.
Tuy nhiên với những sinh viên có học lực yếu, có tiến trình học tập chậm thì nên hạn chế bởi nếu sinh viên mải đi làm kiếm tiền sẽ không đảm bảo việc học tập.
Cung theo thầy Thành, không nên quy định hóa và cứng hóa với việc này, nên xem xét các trường hợp gắn với thực tế trong cuộc sống.
Về vấn đề việc làm thêm của sinh viên, thầy Thành nhìn nhận, sinh viên làm thêm với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và lý thuyết, những va đập ngoài cuộc sống giúp các em trưởng thành hơn rất cần khuyến khích.
Tùy đặc thù từng ngành như Quản trị doanh nghiệp, Quản trị nhân lực, Quản trị kinh doanh… sinh viên có thể đi làm thêm những công việc bán thời gian tại các cửa hàng, nhà hàng để hiểu hơn về thị trường lao động cũng như một số kỹ năng như giải quyết tình huống, kỹ năng giao tiếp với khách hàng…
Tuy nhiên với những sinh viên theo học ngành như tự động hóa, mạng máy tính, công nghệ thông tin thì cũng công việc như bán hàng, phục vụ sẽ chỉ đem lại những giá trị vật chất, còn kinh nghiệm, kiến thức sẽ ít tích lũy được để có thể ứng dụng, phát triển công việc tương lai.
Vì vậy, nếu có quy định về giờ làm thêm của sinh viên thì nên xem xét theo từng đối tượng, đặc thù công việc, chuyên ngành của sinh viên.
Nêu quan điểm về làm thêm, Thạc sĩ Trần Quốc Hùng – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Ngoài lý do kiếm thêm thu nhập để giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân, gia đình, sinh viên đi làm thêm sẽ được học hỏi nhiều kỹ năng sống. Nếu làm thêm đúng với chuyên ngành đang học tập thì còn tích lũy thêm được kỹ năng nghề nghiệp thực tế.
Trong Tuần lễ sinh hoạt công dân, nhà trường luôn nhắc sinh viên cần ưu tiên nhiều thời gian cho việc học tập. Tránh mải mê đi làm thêm rồi sao nhãng, dẫn đến kết quả học tập không tốt, ảnh hưởng đến cơ hội lựa chọn việc làm sau khi ra trường”.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhận định, nếu quy định giới hạn giờ làm thêm sinh viên, việc kiểm soát học sinh, sinh viên đó có đi làm thêm hay không là cực kỳ khó với cơ quan quản lý.
Việc này phụ thuộc vào ý thức và thành thật của học sinh, sinh viên khi khai báo. Với điều kiện công nghệ giám sát con người của nước ta hiện nay, rất khó để đưa ra được số liệu thống kê thực chất về thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên.
Mục tiêu lớn nhất là làm sao việc làm thêm không ảnh hưởng đến quá trình học tập của chính các em đó. Đồng thời định hướng để các em không tham gia làm thêm tại các cơ sở vi phạm pháp luật và làm những công việc không được pháp luật cho phép.
“Nếu nhìn nhận trên thực tế, khi các em làm thêm những công việc chân chính, không ảnh hưởng đến việc học tập thì sinh viên có thêm thu nhập thì đó cũng là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế và có thêm kỹ năng sống.
Về phía nhà trường, có thể thông qua các đợt sinh hoạt toàn trường cần định hướng cho các học sinh, sinh viên về việc sắp xếp khoa học giữa việc làm thêm và học hành. Đặc biệt là động viên học sinh không vì quá tham công tiếc việc mà làm ảnh hưởng đến kết quả học tập”, vị lãnh đạo Trường Đại học Gia Định chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, có đề xuất giới hạn giờ làm thêm, việc này sẽ là một trong những khó khăn với sinh viên. Nếu giới hạn giờ làm thêm thì làm sao sinh viên có thể làm việc ở nhà hàng, quán cà phê… bởi tại các điểm kinh doanh này thường duy trì từ 4 – 8 giờ/ca làm việc.
Vì vậy, quy định này nếu có triển khai cũng sẽ gặp khó, chỉ nên tuyên truyền đến sinh viên chứ không nên áp đặt một cách cứng nhắc.
Nên khuyến khích sinh viên, để sinh viên biết rằng trách nhiệm của mình là học tập, nghiên cứu chứ không phải làm thêm. Tránh trường hợp, sinh viên lo làm thêm mà bỏ bê việc học tập, nghiên cứu, dẫn đến kết quả học không tốt, bị buộc đuổi học.
Cũng theo thầy Sơn, sinh viên khi chọn việc làm thêm cũng cần cân nhắc, phải luôn nhớ rằng việc đi làm thêm là để có kinh nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho công việc của mình sau khi ra trường, chứ không phải là làm thêm tùy ý.
Tránh tình trạng làm thêm quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Đồng thời, nên chọn thời điểm làm thêm phù hợp, có thể học kỳ này làm thêm nhiều, nhưng học kỳ cuối nên tập trung vào việc học tập, nghiên cứu.
Thu Trang