SV trễ tốt nghiệp làm tăng quy mô đào tạo, ảnh hưởng đến việc xác định chỉ tiêu

Sv Trễ Tốt Nghiệp Làm Tăng Quy Mô Đào Tạo, Ảnh Hưởng Đến Việc Xác Định Chỉ Tiêu

Sinh viên “nợ” bằng do chuẩn ngoại ngữ gây áp lực lên quy trình đào tạo của nhà trường

Hiện nay, hầu hết trường đại Học, cao đẳng trên cả nước đều quy định chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp.

Tùy theo điều kiện từng trường với đặc thù khối ngành đào tạo mà chuẩn đầu ra tiếng Anh sinh viên phải đạt là bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương ứng B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu – CEFR); hoặc IELTS điểm IELTS từ 4.5 – 6.5 hay TOEIC từ 450 – 650.

Điều đáng nói, dù chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhiều trường đưa ra so với thang bảng so sánh mức điểm chuẩn của châu Âu chỉ ở mức trung bình, nhưng vẫn có không ít sinh viên gặp khó trong việc hoàn thành chuẩn theo quy định.

Tình trạng này kéo dài gây ra những bất lợi không chỉ cho sinh viên mà còn gây áp lực lên quy trình đào tạo của các cơ sở Giáo dục đại học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo Dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: “Chuẩn đầu ra ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng đối với sinh viên năm cuối, vì đó là yêu cầu bắt buộc để tốt nghiệp và là một công cụ quan trọng giúp sinh viên tự tin trong hội nhập quốc tế, phát triển sự nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa. Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ giúp sinh viên tiếp cận được nhiều tài liệu học thuật, công nghệ tiên tiến và cơ hội Việc làm sau khi ra trường.

Việc sinh viên không thể ra trường đúng hạn không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em, mà còn gây ra áp lực cho nhà trường. Vì việc nợ bằng tạo ra tình trạng quá tải trong khâu quản lý sinh viên, chương trình đào tạo và tài nguyên học tập”.

Pgs.ts  Trần Văn Đạt.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Đạt (ở giữa) – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Về phía Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tại, trường có nhiều loại hình đào tạo, bao gồm: chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao (khóa tuyển sinh từ năm 2022 về trước), chương trình tiên tiến và chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV). Do vậy, yêu cầu chuẩn ngoại ngữ đầu ra đối với các chương trình cũng khác nhau.

Cụ thể, chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với chương trình đại trà là B1; chương trình cử nhân chất lượng cao là B2; chương trình tiên tiến (học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên sau năm thứ nhất, sinh viên phải đạt IELTS 5.0 (nếu không đạt sẽ phải dừng học), chuẩn đầu ra đối với hệ kỹ sư là IELTS 6.0 và hệ cử nhân là IELTS 5.5. Riêng với chương trình PFIEV, sinh viên muốn nhận song bằng, phải có trình độ tiếng Pháp DEFL B1 và tiếng Anh TOEIC 600; còn nếu chỉ nhận bằng của nhà trường thì chỉ yêu cầu 1 trong 2 điều kiện.

Với mức chuẩn đầu ra này, thông thường, tỷ lệ sinh viên ra trường đúng hạn của chương trình đại trà cao hơn các chương trình khác, vì yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ thấp hơn.

Đối với chương trình đại trà, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ khoảng 53% và tỷ lệ sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo nhưng thiếu chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra khoảng 12%. Đối với chương trình tiên tiến, tỷ lệ sinh tốt nghiệp đúng tiến độ khoảng 40% và tỷ lệ sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo nhưng thiếu chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra khoảng 25%”.

A.png
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh chụp màn hình.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu cũng chia sẻ, việc sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra, chưa được xét tốt nghiệp làm tăng quy mô đào tạo của nhà trường và ảnh hưởng đến việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ảnh hưởng đến tỷ lệ tốt nghiệp đúng tiến độ.

“Đối với sinh viên, việc ra trường không đúng hạn ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tìm việc làm theo đúng năng lực bản thân, cơ hội nhận được công việc tốt, lương cao sẽ bị mất đi. Ngoài ra theo quy chế đào tạo hiện hành, sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định, sẽ có thêm 03 năm để đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Sau thời gian này, nếu vẫn không đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, sinh viên không được xét công nhận tốt nghiệp và không có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho các em” – vị Hiệu trưởng nhìn nhận.

Chia sẻ về tình trạng sinh viên “nợ” chuẩn đầu ra ngoại ngữ, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hạnh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) cho biết: “Nhà trường là đơn vị chuyên về đào tạo ngoại ngữ và hiện đang phụ trách đào tạo ngoại ngữ không chuyên cho sinh viên các trường đại học thành viên thuộc Đại học Huế.

Nhìn chung, trên thực tế, các sinh viên từ các trường thành viên của Đại học Huế có tinh thần thái độ học tập nghiêm túc và xây dựng kế hoạch học ngoại ngữ hợp lý đều sẽ đạt được chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà trường, vẫn còn một bộ phận sinh viên không thể đạt chuẩn ngoại ngữ vì một số lý do sau:

Thứ nhất, năng lực đầu vào về ngoại ngữ của sinh viên giữa các ngành học không đồng đều. Mức độ tiếp cận và sử dụng ngoại ngữ giữa các ngành học khác nhau, dẫn đến ý thức xây dựng năng lực ngoại ngữ của sinh viên cũng khác nhau. Có những sinh viên đến từ vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên không đủ điều kiện và cơ hội để tiếp cận việc học ngoại ngữ.

Thứ hai, chất lượng Dạy và học ngoại ngữ ở phổ thông không đồng đều, chưa hỗ trợ phát triển cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), dẫn đến khó khăn trong học lên cao hơn. Nhiều sinh viên có thể có một số kiến thức nền tảng về ngữ pháp, nhưng thiếu hụt nghiêm trọng về 4 kỹ năng.

Thứ ba, một số sinh viên chưa sắp xếp được kế hoạch hợp lý cũng như nhận thức chưa đầy đủ về việc học tập ngoại ngữ ở bậc đại học. Những sinh viên này không học ngay từ năm thứ nhất, mà đợi đến năm hai hay thậm chí năm ba, năm cuối, mới đăng ký, nên thời gian học bị gián đoạn. Việc quay trở lại học ngoại ngữ sau một thời gian dài bỏ bê, khiến các em quên nhiều kiến thức, kỹ năng đã học trước đó. Để đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ, sinh viên cần đầu tư thời gian thực hành đồng đều cho 4 kỹ năng. Những kỹ năng này cần có một thời gian nhất định để tích luỹ và phát triển.

Thứ tư, có những sinh viên xem năng lực ngoại ngữ là điều kiện tốt nghiệp mang tính hình thức. Cần lưu ý rằng, đối với năng lực ngoại ngữ, việc có một chứng nhận năng lực, thậm chí chứng chỉ quốc gia hay quốc tế vào một thời điểm nào đó, không đồng nghĩa với việc có năng lực giao tiếp hiệu quả. Nếu không có nền tảng kiến thức vững vàng và không duy trì sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp thường xuyên, thì kiến thức, năng lực ngoại ngữ cũng sẽ bị mai một. Vì vậy, các chứng chỉ quốc tế đa phần đều chỉ có thời hạn sử dụng là 2 năm”.

Cô Hạnh.jpg
Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hạnh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Xây dựng “chuẩn ngoại ngữ năm học”, giới hạn tín chỉ ở học kỳ kế tiếp

Hiện tại, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu mức chuẩn đầu ra B1 cho các khối ngành đào tạo. Đề cập tới những biện pháp giúp sinh viên chủ động hơn trong việc học ngoại ngữ, tránh tình trạng “nợ” bằng tốt nghiệp do vướng chuẩn đầu ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Đạt cho biết: “Thời gian qua, nhà trường đã và đang áp dụng nhiều biện pháp như cung cấp các lớp bổ trợ, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ thông qua các hoạt động thực hành, và tổ chức thi thử để giúp sinh viên nâng cao năng lực và chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi chứng chỉ”.

Về giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nhấn mạnh, sinh viên cần có khả năng tự học lớn trên hành trình chinh phục ngoại ngữ.

“Khung chương trình đào tạo tại nhà trường được thiết kế khoảng 7-9 tín chỉ tiếng Anh bắt buộc tương ứng với 105-135 tiết học trên lớp, bao gồm tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành. Thời lượng này chỉ đủ để cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ cơ bản. Do đó, đòi hỏi khả năng tự học của sinh viên rất lớn để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Bên cạnh ý thức tự học của sinh viên, năng lực sư phạm và chuyên môn của giảng viên dạy ngoại ngữ là rất quan trọng. Đây là một trong những quyết định lớn đến việc yêu thích học ngoại ngữ và nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Việc giảng dạy 7 tín chỉ tiếng Anh bắt buộc do giảng viên có uy tín của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) phụ trách. Mỗi học kỳ, nhà trường đều lấy ý kiến sinh viên đánh giá học phần và xem xét đề nghị thay đổi giảng viên nếu cần thiết” – vị Hiệu trưởng cho biết thêm.

Pgs.ts Nguyễn Hữu Hiếu.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Thầy Hiếu cũng chia sẻ: “Để giảm thiểu tình trạng vướng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, trước mỗi khóa mới, nhà trường tiến hành kiểm tra, phân loại trình độ tiếng Anh đầu vào để xếp lớp học phù hợp với năng lực sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường xây dựng quy định lộ trình yêu cầu sinh viên phải đạt được về trình độ ngoại ngữ trong quá trình đào tạo, tương ứng với trình độ ngoại ngữ sau mỗi năm học, gọi là “chuẩn ngoại ngữ năm học”. Sinh viên không đạt “chuẩn ngoại ngữ năm học” sẽ bị hạn chế khối lượng học tập ở học kỳ kế tiếp, không được đăng ký quá 14 tín chỉ ở mỗi học kỳ, để dành thêm thời gian cho việc học ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, hằng năm, trường tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo và sinh viên để giải đáp thắc mắc, cũng như ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất của sinh viên để có những hỗ trợ kịp thời, giúp các em học tập chuyên môn và ngoại ngữ thuận lợi hơn”.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), tổ chức các lớp tiếng Anh tăng cường bậc 3 và lớp tiếng Anh tăng cường bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) với mức học phí ưu đãi để hỗ trợ sinh viên học và thi đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Năm 2023, trường đã tổ chức 3 đợt ôn thi và năm 2024 tổ chức 5 đợt ôn thi.

Trường đã có kế hoạch mở một số lớp học phần giảng dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên có nhu cầu và sẽ triển khai từ học kỳ 2 năm học 2024-2025.

“Trong thời gian tới, dự kiến tất cả các chương trình đào tạo đều có 1-2 học phần ngành, chuyên ngành giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nhằm tăng cường cơ hội tiếp xúc tiếng Anh cho sinh viên toàn trường” – thầy Hiếu nhấn mạnh.

Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hạnh cũng cho rằng, biện pháp tốt nhất để giúp sinh viên cải thiện tình trạng tốt nghiệp chậm do “nợ” bằng ngoại ngữ là tăng cường nhận thức của các em.

“Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động tập huấn về đào tạo ngoại ngữ không chuyên, cung cấp thông tin đầy đủ trên nhiều kênh để sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc bắt đầu đăng ký học ngoại ngữ từ năm đầu đại học, giúp các em không bị gián đoạn quá trình học ngoại ngữ từ phổ thông lên đại học. Sinh viên cần hiểu, tốt nhất nên xây dựng kế hoạch hoàn thành chương trình đào tạo ngoại ngữ trong 2 năm đầu tiên.

Với hiện tượng một bộ phận sinh viên có tư tưởng học và thi “đối phó”, cần tăng cường giáo dục ý thức, tư tưởng cho sinh viên về tính chất, tầm quan trọng thực sự của năng lực ngoại ngữ. Các em cần ý thức rõ việc đạt trình độ ngoại ngữ không chỉ để đáp ứng điều kiện đầu ra của đào tạo đại học mà còn có thể hỗ trợ việc học tập, tra cứu tài liệu,…

Đặc biệt, vừa qua, tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, có đề cập nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong Trường học. Với chủ trương này, nguồn nhân lực trong tương lai không thể không biết ngoại ngữ, không biết tiếng Anh. Do đó, sinh viên cần học thật, thi thật, chứ không học và thi một cách “đối phó”.

Ngoài ra, không thể phủ nhận vai trò của nhà trường trong công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho sinh viên. Do vậy, nhà trường cần tăng cường khuyến khích giảng viên soạn các dạng bài tập theo mẫu đề thi, giúp sinh viên luyện tập thêm, chú trọng vào các dạng bài luyện tập kỹ năng nói và viết – là các kỹ năng sinh viên cần luyện tập nhiều hơn. Đồng thời, chú trọng giới thiệu các nguồn học liệu giúp sinh viên tự học” – cô Hạnh bày tỏ.

Nguyễn Quỳnh



https%3A%2F%2Fgiaoduc.net.vn%2Fsv-tre-tot-nghiep-lam-tang-quy-mo-dao-tao-anh-huong-den-viec-xac-dinh-chi-tieu-post246263.gd

Avatar Of Hải Anh

Hải Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *