Hàng loạt cảnh báo của các cơ quan chức năng, các trường cao đẳng, đại Học cho thấy mức độ lừa đảo Việc làm nhắm vào Sinh viên ngày càng gia tăng.
Nổi lên gần đây là những phi vụ “lùa gà” sinh viên tham gia kinh doanh đa cấp trên các nền tảng số như tiền số, vàng ảo, chứng khoán ảo, ngoại hối, chứng khoán phái sinh…
Những hình thức lừa người tham gia làm nhiệm vụ, xem rồi nhận xét, chia sẻ video để nhận tiền, tham gia bình chọn người nổi tiếng,… cũng phát triển mạnh mẽ và “phễu” cuối cùng là lừa tiền của người tham gia.
Nhiều chuyên gia an ninh mạng cũng nhận định các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram và gần đây là TikTok, đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng. Đặc biệt, đối tượng dễ bị lừa nhất là Học sinh, sinh viên – những người thiếu kinh nghiệm và dễ bị cuốn hút bởi lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”…
Vừa nhập học được hơn 2 tháng, chị Lê Thị H. (sinh viên một trường ĐH tại quận Gò vấp, TP HCM) đã bị lừa mất hơn 8 triệu đồng khi tìm việc làm thêm.
H. kể do năm đầu lịch học cũng chưa nhiều nên muốn đi làm thêm để trải nghiệm. Khi thấy một thông báo tuyển nhân viên bán hàng siêu thị theo ca, với thu nhập 45.000/giờ làm việc, mỗi ca 4 giờ, được đổi ca.
“Tôi thấy khá phù hợp với lịch học nên click vào link để đăng ký. Lúc đó tôi không kiểm tra nên cứ làm theo yêu cầu, khai báo hết thông tin rồi xác thực bằng mã OTP. Vài phút sau tôi thấy thông báo bị trừ 8,3 triệu đồng trong tài khoản. Đó là số tiền tôi mới được mẹ gửi cho mấy hôm trước để đóng tiền nhà và sinh hoạt phí” – H. cho biết.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng sinh viên khá “ngây thơ” khi bước vào giai đoạn rời xa gia đình, sống tự lập. Kinh nghiệm sống chưa nhiều nên họ rất dễ bị các thủ đoạn tinh vi lừa đảo. Yếu tố cơ bản nhất cũng là mấu chốt của các câu chuyện lừa đảo đó là sinh viên thường sử dụng Điện thoại thông minh, đều có tài khoản ngân hàng trong app điện thoại.
Vì vậy, các hình thức lừa đảo thường ẩn những đường link có chứa mã độc để xêm nhập vào điện thoại của sinh viên, chiếm quyền và thực hiện các hành vi như đánh cắp thông tin cá nhân và chuyển hết tiền trong tài khoản.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP HCM, một số dấu hiệu mà các sinh viên cần lưu ý để nhận biết chiêu trò lừa đảo bao gồm: yêu cầu đóng phí trước khi bắt đầu công việc, thông tin công việc không rõ ràng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc yêu cầu tham gia vào các công việc mờ ám. Đặc biệt, khi thấy một công việc có mức lương quá cao so với công sức bỏ ra, các bạn cần cân nhắc kỹ và nên tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) khuyên sinh viên khi có nhu cầu tìm việc làm cần tìm đến các Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, thành phố hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên của tỉnh thành đoàn. Nếu không có nhiều thời gian thì nên truy cập vào những trang web kết nối việc làm uy tín lâu năm để tìm hiểu.
Trước khi quyết định nhận việc, hãy kiểm tra thông tin của công ty qua các kênh chính thống. Không nên chỉ dựa vào thông tin từ mạng xã hội. Nếu một công việc nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thật, có thể đó chính là dấu hiệu của lừa đảo.
Chỉ nên đóng tiền cho những công việc đã được xác minh rõ ràng và có hợp đồng cụ thể. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về một công việc, hãy chia sẻ với người thân hoặc bạn bè để nhận được lời khuyên. Một cách nữa là tìm đến các công cụ chống lừa đảo miễn phí để kiểm tra lại.