Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh Giáo Dục đại Học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Một trong những nội dung được nêu trong dự thảo là, chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành trình độ đại học, không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề nếu tỉ lệ người tốt nghiệp có Việc làm thấp hơn 70%.
Tuy nhiên, tình trạng khảo sát tỷ lệ có việc làm của Sinh viên sau tốt nghiệp có trường thì thuận lợi, nơi thì lại gặp khó vì phản hồi thấp từ cựu sinh viên và hạn chế trong việc tiếp cận thông tin từ thị trường lao động đang tạo ra sai số không nhỏ.
Quy trình khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các trường đại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Thế Anh – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, nhà trường thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp dựa trên hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo công văn số 2919/BGDĐT-GDĐH ngày 10/7/2017 và công văn số 3943/BGDĐT-GDĐH ngày 31/8/2018 về việc khảo sát, công khai và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng quy trình khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo quy trình ISO 9001:2015, các bước thực hiện chính bao gồm: xây dựng kế hoạch khảo sát, thiết kế công cụ khảo sát, thiết lập hệ thống khảo sát, tổ chức thu thập dữ liệu, phân tích kết quả khảo sát, báo cáo kết quả và công khai về tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Nhà trường đặt ra yêu cầu tất cả các chương trình đào tạo phải đạt tỷ lệ sinh viên phản hồi từ 80% trở lên so với tổng số sinh viên tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được công bố trong đề án tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, được tính dựa trên số sinh viên tham gia khảo sát.
Với yêu cầu này, số liệu thu thập được dù tính trên tổng số sinh viên tốt nghiệp hay trên số sinh viên phản hồi đều đảm bảo độ tin cậy cao và cho kết quả tương đồng, phản ánh chính xác tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời, nhà trường cũng áp dụng nhiều phương pháp thu thập thông tin để xác định tỷ lệ sinh viên có việc làm, bao gồm khảo sát qua Google Forms, email, phỏng vấn qua Điện thoại, các kênh mạng xã hội, hội nhóm cựu sinh viên và gặp gỡ trực tiếp.
Dữ liệu về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp được công bố trong đề án tuyển sinh hàng năm còn phục vụ nhiều mục đích khác trong công tác bảo đảm chất lượng của nhà trường. Ngoài ra, số lượng sinh viên làm trái ngành của nhà trường không đáng kể; tuy nhiên, những trường hợp này đều được thống kê, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng, làm cơ sở để cải tiến chương trình và hoạt động đào tạo của nhà trường”, thầy Thế Anh thông tin.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Vũ Lâm Tùng – Chuyên viên chính phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, để thu thập các thông tin, đánh giá của người học về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị và quá trình tổ chức đào tạo cũng như nắm bắt thông tin về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp; nhà trường đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của cựu sinh viên các khóa bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Đợt 1 diễn ra ngay khi sinh viên nhận bằng tốt nghiệp tại trường, trong đó nhà trường phát phiếu khảo sát để thu thập thông tin ban đầu.
Đợt 2 được thực hiện khoảng 6 tháng sau khi các em tốt nghiệp, nhằm ghi nhận tình trạng việc làm và học tập nâng cao của sinh viên. Kết quả đợt này cho thấy tỷ lệ sinh viên đã có việc làm hoặc tham gia học nâng cao dao động từ 50% đến 80% tùy theo ngành học. Sau mỗi đợt, bộ phận khảo sát tổng hợp kết quả và lập danh sách sinh viên chưa có việc làm hoặc chưa phản hồi để tiếp tục liên hệ trong các đợt tiếp theo.
Đợt 3 là đợt khảo sát bổ sung, thực hiện khoảng 12 tháng sau khi sinh viên tốt nghiệp với nhiều phương thức khác nhau để đảm bảo liên hệ đầy đủ với sinh viên. Kết quả đợt này cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm hoặc học nâng cao đạt khoảng 90% đến 100%, tùy ngành học. Vào khoảng cuối tháng 12 hàng năm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ tổng hợp dữ liệu và gửi báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời công khai trên website và cổng thông tin điện tử của trường”, ông Vũ Lâm Tùng cho hay.
Có trường khảo sát gặp khó khăn do sinh viên không phản hồi
Một trong những thách thức lớn mà các trường đại học đang phải đối mặt khi thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường là tỷ lệ phản hồi của sinh viên còn thấp. Nhiều sinh viên không duy trì liên lạc với nhà trường hoặc không phản hồi các phiếu khảo sát sau khi tốt nghiệp đã dẫn đến khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong việc thu thập dữ liệu chính xác và đầy đủ về tình hình việc làm của sinh viên.
Trưởng phòng Công tác sinh viên tại một trường đại học công lập chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất mà nhà trường gặp phải khi triển khai khảo sát tình hình việc làm của sinh viên là việc sinh viên thường thay đổi thông tin liên hệ sau khi tốt nghiệp, khiến việc tiếp cận để thu thập dữ liệu trở nên rất khó khăn.
Vị này cho biết: “Nhà trường hiện áp dụng hai phương pháp chính để thu thập ý kiến về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đầu tiên, nhà trường xây dựng một bảng khảo sát điện tử và đăng tải trên website của trường, mời sinh viên tham gia trả lời trực tuyến. Sau khi rà soát và tổng hợp kết quả từ số sinh viên tham gia khảo sát online, nhà trường sẽ tiếp tục liên hệ trực tiếp với những sinh viên chưa tham gia bằng hình thức gọi điện thoại để hoàn thiện bảng hỏi.
Tuy nhiên, nhà trường gặp phải một số khó khăn trong quá trình khảo sát, trong đó, vấn đề lớn nhất là tỷ lệ sinh viên tham gia trả lời khảo sát trên website rất thấp. Đồng thời, việc xác minh tính xác thực của thông tin mà sinh viên cung cấp cũng là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên viên của phòng công tác sinh viên phải áp dụng nhiều phương pháp liên lạc khác nhau, từ việc liên hệ trực tiếp qua thầy cô chủ nhiệm và ban cán sự lớp, cho đến việc tìm kiếm thông tin liên hệ của cựu sinh viên qua các nhóm cộng đồng, mạng xã hội hoặc email. Dù vậy, việc này vẫn tốn nhiều thời gian và công sức, đôi khi không thể đảm bảo thu thập được đầy đủ thông tin từ tất cả sinh viên tốt nghiệp”.
Trong khi đó, ông Vũ Lâm Tùng cho biết, trong những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên luôn thực hiện nghiêm túc việc khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường. Mục đích của khảo sát không chỉ để báo cáo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn để xác định đề án, chỉ tiêu tuyển sinh; đồng thời rà soát và điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình giảng Dạy; cải tiến phương pháp Dạy học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
“Một số khó khăn trong quá trình khảo sát đến từ việc sinh viên tốt nghiệp sinh sống và phân tán làm việc tại nhiều địa phương khác nhau trên toàn quốc. Nhiều sinh viên đã thay đổi số điện thoại, email cá nhân sau khi ra trường, thông tin liên hệ mà nhà trường lưu trữ chủ yếu là địa chỉ gia đình và không còn phù hợp để tiến hành khảo sát khi sinh viên sinh sống xa nhà.
Thêm vào đó, một số cựu sinh viên không thực sự quan tâm đến việc phản hồi khảo sát dẫn đến việc nhà trường gặp khó khăn trong việc thu thập đầy đủ dữ liệu từ các sinh viên, ảnh hưởng đến chất lượng và tính đại diện của khảo sát.
Tuy nhiên thông qua nhiều kênh liên lạc như thầy cô chủ nhiệm cũ, đội ngũ lớp trưởng, nhà trường cũng đã nắm bắt hầu hết được thông tin sinh viên tốt nghiệp và kiểm chứng các thông tin này thông qua liên lạc trực tiếp bằng điện thoại, email,… Do vậy, kết quả khảo sát đối với nhà trường là tương đối chính xác”, ông Vũ Lâm Tùng thông tin.
Cần bổ sung thêm tiêu chí về thu nhập
Còn theo Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2919/BGDĐT-GDĐH ngày 10/7/2017 và công văn số 3943/BGDĐT-GDĐH ngày 31/8/2018 về việc khảo sát, công khai và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Các văn bản này quy định rõ yêu cầu số lượng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được khảo sát cần có phản hồi tính theo ngành đào tạo cho từng quy mô sinh viên tốt nghiệp cũng như các thông tin cần khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho từng chương trình đào tạo bao gồm: tên ngành đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp, số sinh viên phản hồi.
Tình hình việc làm của sinh viên được chia thành 4 loại gồm có: việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, liên quan đến ngành đào tạo, không liên quan đến ngành đào tạo, tiếp tục học và chưa có việc làm; tỷ lệ sinh viên có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi; tỷ lệ sinh viên có việc làm/tổng số sinh viên tốt nghiệp; khu vực làm việc; nơi làm việc.
Nhằm giải quyết khó khăn và đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, theo ông Trịnh Thế Anh, khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đúng theo hướng dẫn một cách khách quan và trung thực, dù tỷ lệ việc làm được tính theo số sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên tốt nghiệp hay theo tỷ lệ sinh viên phản hồi, các số liệu này đều sẽ có độ tin cậy cao.
Còn theo ông Vũ Lâm Tùng, bên cạnh một số văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm theo các biểu mẫu báo cáo về tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã bổ sung thêm một số thông tin khảo sát về các nội dung sau: tên, địa chỉ của công ty/doanh nghiệp sinh viên đang làm việc; thu nhập trung bình/tháng; khả năng đáp ứng yêu cầu của công ty/doanh nghiệp; đánh giá mức độ phù hợp của ngành, nghề đào tạo,…
“Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh các biểu mẫu báo cáo sao cho phù hợp với thực tế, đồng thời bổ sung những thông tin quan trọng như: mức thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc và mức độ phù hợp giữa chương trình đào tạo với ngành nghề thực tế.
Những nội dung này đã được đề cập trong các tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cũng như một số báo cáo khác mà các trường đang thực hiện, do đó việc bổ sung là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả”, ông Vũ Lâm Tùng cho biết.
Thúy Hiền