Giáo viên dạy thêm từ 8-15 giờ/tuần thì lấy sức đâu mà dạy chính khoá?

Giáo Viên Dạy Thêm Từ 8-15 Giờ/Tuần Thì Lấy Sức Đâu Mà Dạy Chính Khoá?

Đại Học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đề tài khoa học công nghệ với nội dung “Nghiên cứu đời sống Giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang”. [1]

Đại học này khảo sát hơn 12.500 giáo viên tại 3 địa phương trên trong hai tháng 9, 10/2024 và phỏng vấn 132 nhà quản lý Giáo dục, giáo viên các cấp.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho biết, có 25,4% giáo viên có Dạy thêm trong trường và 8,2% giáo viên có dạy thêm ngoài nhà trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn học là: Toán, Văn, Anh văn, Lý, Hóa.

Giáo viên tiểu học dạy thêm trung bình 8,6 giờ/tuần, cấp trung học cơ sở trung bình là 13,75 giờ/tuần, còn ở cấp trung học phổ thông là 14,91 giờ/tuần.

Giáo viên dạy thêm tại trường, tại nhà, tại trung tâm, dạy online và trên các kho dữ liệu học tập mở. Dạy thêm tại trung tâm thường là nhóm giáo viên phụ trách môn Ngoại ngữ.

Có 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm các việc dạy thêm ở nhà và dạy online, để tăng thu nhập bằng chính năng lực của mình.

17-683-2436-7108.Png
Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.

Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều chia sẻ khi tiếp nhận kết quả khảo sát về việc dạy thêm, Học thêm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, giáo viên dạy thêm từ 8-15 giờ/tuần tuỳ theo bậc học, theo người viết, việc dạy thêm, học thêm kéo dài như thế này sẽ gây quá tải cho cả thầy và trò.

Cần biết, Điều 6 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) quy định về định mức tiết dạy đối với giáo viên như sau:

Giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.

Như thế để thấy rằng, quy định về định mức tiết dạy của giáo viên/tuần hợp lí ở chỗ, để có một tiết dạy ở trên lớp thì giáo viên phải có nhiều thời gian để chuẩn bị bài, nghiên cứu bài ở nhà chứ không phải dạy thêm.

Cùng với đó, đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, muốn giảng dạy có hiệu quả thì đòi hỏi giáo viên phải đọc cả 3 bộ sách, nghĩa là thầy cô phải dành thời gian, công sức nhiều hơn 2-3 lần để nghiên cứu bài so với Chương trình cũ (2006).

Hơn nữa, đối với giáo viên lớp 9, lớp 12, nếu thầy cô không chịu đầu tư nghiên cứu bài học một cách nghiêm túc, bản bản mà chỉ lo tập trung vào việc dạy thêm thì việc dạy thêm, học thêm sẽ lợi bất cập hại.

Chưa kể, theo Chương trình mới, đa số Học sinh đều được học 2 buổi/ngày, cho nên, nếu các em học thêm từ 8-15 giờ/tuần là học thêm chồng học thêm, sẽ gây quá tải trong việc tiếp thu kiến thức.

Bởi vì, buổi sáng học sinh học các tiết chính khoá theo quy định của Chương trình, còn buổi chiều là học tăng tiết – nhưng bản chất vẫn là dạy thêm, học thêm có thu tiền.

Phụ huynh phải đóng cả tiền buổi 2 và tiền dạy thêm, học thêm cho con em là quá vô lí.

Đáng nói, không ít giáo viên dành quá nhiều thời gian cho việc dạy thêm cho nên giờ dạy trên lớp thầy cô không đủ sức truyền giảng, chỉ dạy qua loa, hướng dẫn sơ sài, còn lại chủ yếu học sinh tự làm bài cho hết giờ.

Có thể khẳng định, giáo viên dạy thêm dao động từ 8-15 giờ/tuần sẽ gây quá tải cho bản thân thầy cô, dẫn đến chất lượng giảng dạy thấp, và những em không có điều kiện đi học thêm sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi, bất công.

Thứ hai, kết quả khảo sát của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết, giáo viên vẫn dạy thêm ngoài trường, dạy tại nhà, dạy online, theo người viết là có dấu hiệu làm trái với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT [2] của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, theo Thông tư này, giáo viên hưởng lương Nhà nước thì không được dạy thêm ngoài nhà trường, đặc biệt là đối với học sinh mà giáo viên đang dạy trừ trường hợp được thủ trưởng cho phép.

Vấn đề cần bàn là, vì sao giáo viên vẫn dạy thêm trái Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT? Làm trái Thông tư này, giáo viên có thể bị hạ thi đua, thậm chí bị kỉ luật, nhưng tại sao họ vẫn bất chấp tổ chức dạy thêm, học thêm?

Dễ nhận thấy, thu nhập từ dạy thêm của giáo viên cao hơn gấp nhiều lần so với tiền lương theo ngạch bậc hiện nay nên nhiều thầy cô vẫn phớt lờ.

Một số giáo viên dạy các môn Toán, Vật lí, Hoá học, tiếng Anh, Ngữ văn nơi địa phương người viết đang công tác tiết lộ, thu nhập dạy thêm một tháng của họ không dưới 50 triệu đồng.

Vì vậy, nếu bị lãnh đạo nhắc nhở, phê bình thì cùng lắm cuối năm giáo viên cũng chỉ bị hạ một bậc thi đua, ví dụ từ loại xuất sắc xuống loại tốt, không mấy ảnh hưởng đến đánh giá viên chức cuối năm.

Tuy vậy, trường hợp giáo viên bị hạ thi đua do dạy thêm học thêm theo ghi nhận của người viết là rất ít do hiệu trưởng ít/không quan tâm đến chuyện này, còn phụ huynh cũng chẳng mấy ai đi “tố” thầy cô giáo.

Đó cũng là lí do có 63,57% giáo viên suy nghĩ rất đơn giản khi bày tỏ nguyện vọng với ban khảo sát (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là được ngành giáo dục hợp pháp hóa việc dạy thêm để tăng thêm thu nhập.

Giáo viên chỉ nghĩ đến chuyện tăng thu nhập, còn việc học sinh có tự nguyện đi học thêm hay không, việc học của các em có quá tải, có tiến bộ hay không,… thì chưa thấy thầy cô nào quan tâm cả.

Trong số giáo viên tham gia dạy thêm, người viết là giáo viên cũng rất bức xúc với việc dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học.

Sau giờ tan học khoảng 17 giờ hàng ngày, người viết ngày nào chứng kiến cảnh nhiều học sinh tiểu học lại xếp hàng rồng rắn đi theo giáo viên chủ nhiệm đến phòng học thêm được thầy cô giáo thuê gần trường.

Học sinh lớp 1, lớp 2 học cả ngày ở trường, không biết từ 17 giờ 30 đến 19 giờ các em học thêm để làm gì. Giáo viên cũng chỉ đơn thuần luyện tập đọc, luyện viết chữ, luyện một vài phép tính,… cho các em, nhưng sao phụ huynh không giúp con học bài, làm bài?

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu, khảo sát để có đánh giá cụ thể hơn từ đó đưa ra chính sách phù hợp. Theo quan điểm của người viết, nếu giáo viên dạy học sinh chính khóa rồi chính thầy cô cũng là người kiểm tra, đánh giá học sinh thì rất khó đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng với những học sinh không đi học thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/hon-4063-gv-tung-co-y-dinh-chuyen-nghe-do-bao-luc-tinh-than-tu-phu-huynh-post247124.gd

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên



https://giaoduc.net.vn/giao-vien-day-them-tu-8-15-giotuan-thi-lay-suc-dau-ma-day-chinh-khoa-post247263.gd

Avatar Of Hải Anh

Hải Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *