Tại khoản 3, Điều 4 của dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh Giáo dục đại Học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo Dục mầm non, một ngành, nhóm ngành trình độ đại học sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề nếu tỷ lệ Sinh viên tốt nghiệp có Việc làm thấp hơn 70%.
Nhìn từ thực tế hiện nay nhiều trường công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt từ 85-95% và con số này thường chỉ dựa trên phản hồi từ phiếu khảo sát, không đại diện cho toàn bộ sinh viên tốt nghiệp, dẫn đến số liệu chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế.
Nguyên nhân việc thu thập dữ liệu thống kê tỷ lệ SV có việc làm còn bất cập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc tính toán tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm là một nhiệm vụ quan trọng đối với các trường đại học, không chỉ đóng vai trò trong việc đánh giá chất lượng đào tạo, yếu tố này còn tác động mạnh mẽ đến uy tín cũng như khả năng thu hút Thí sinh của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn khiến cho kết quả chưa phản ánh đúng thực trạng.
Theo thầy Thanh, một trong những thách thức lớn nhất là việc thu thập dữ liệu thông tin từ cựu sinh viên. Dù các trường có thông tin liên lạc như email, số Điện thoại của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhưng việc duy trì liên hệ và nhận được phản hồi không hề dễ dàng. Bởi, một số sinh viên không còn mặn mà với việc duy trì kết nối thường xuyên với nhà trường, đặc biệt là những người chưa có việc làm hoặc làm trái ngành. Họ thường không muốn tham gia khảo sát do vấn đề tâm lý e ngại hoặc không có gì để chia sẻ.
Bên cạnh đó, sau khi ra trường, sinh viên thường thay đổi địa chỉ email, số điện thoại hoặc nơi cư trú, dẫn đến việc nhà trường gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Hoặc đơn giản, cựu sinh viên lúc ấy là những người đã đi làm thường bận rộn, không ưu tiên việc trả lời khảo sát.
Mặc dù nhiều trường đã giao cho đầu mối cố vấn học tập hoặc cán bộ khoa để hỗ trợ, nhưng hiệu quả vẫn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ cá nhân giữa cố vấn và sinh viên. Do đó, việc duy trì liên lạc lâu dài với hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đối với nhà trường là một thách thức đáng kể.
“Hiện nay, phương pháp khảo sát còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa trên việc gửi phiếu hỏi qua email hoặc gọi điện trực tiếp. Tuy nhiên, tỷ lệ phản hồi thường rất thấp. Có trường hợp chỉ 50-60% sinh viên trả lời, khiến số liệu thu thập không đủ đại diện.
Một vấn đề khác là cách định nghĩa ‘có việc làm’. Trong nhiều báo cáo, ‘có việc làm’ chỉ đơn giản là sinh viên đang làm một công việc nào đó, bất kể ngành nghề hay mức độ liên quan đến chuyên môn được đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng một số sinh viên làm các công việc trái ngành hoặc tạm thời nhưng vẫn được tính là ‘có việc làm’, dẫn đến làm sai lệch bức tranh tổng thể.
Ngoài ra, chất lượng công việc, mức thu nhập cũng là những yếu tố chưa được đánh giá đầy đủ trong các khảo sát hiện nay. Việc chỉ tập trung vào con số tỷ lệ mà không xem xét các khía cạnh định tính này có thể khiến thông tin công bố không sát với kỳ vọng của xã hội”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang bày tỏ, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng mà phụ huynh và Học sinh tham khảo để lựa chọn trường. Tuy nhiên, khi con số này không phản ánh thực chất, nó có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Bởi, tâm lý của phụ huynh thường kỳ vọng con em mình sẽ có việc làm phù hợp ngay sau khi ra trường.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, từ phương pháp khảo sát, định nghĩa việc làm phù hợp, đến khả năng thu thập dữ liệu chính xác và đầy đủ.
Theo thầy Cang, hiện nay, đa số các trường đại học tiến hành khảo sát thông qua các bảng hỏi trực tuyến hoặc giấy được gửi tới sinh viên đã tốt nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ phản hồi từ sinh viên thường không cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Sinh viên thiếu sự quan tâm (sau khi ra trường, sinh viên ít gắn kết với nhà trường, không cảm thấy trách nhiệm trả lời các khảo sát); Con số chỉ phản ánh 1 phần (các số liệu thu thập thường chỉ dựa trên số lượng sinh viên phản hồi, dẫn đến tỷ lệ có việc làm được công bố cao nhưng không phản ánh đúng toàn bộ tình hình của cả khóa); Khó tiếp cận sinh viên không có việc làm (họ thường ngại trả lời khảo sát, dẫn đến mất cân đối dữ liệu).
Điểm b, khoản 1, Điều 7, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường (bao gồm số sinh viên tốt nghiệp có việc làm và số sinh viên tốt nghiệp đang học nâng cao theo biểu mẫu 18).
Tuy nhiên, theo thầy Cang, khi thực hiện Thông tư 36, nhiều trường chỉ công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm nhưng chưa cụ thể hoá được loại hình công việc, dẫn đến tình trạng số liệu chưa phản ánh toàn diện như thực tế. Khái niệm “việc làm phù hợp” vẫn chưa được định nghĩa cụ thể và thống nhất trong các quy định hiện hành, dẫn đến nhiều trường chưa nắm được và thực hiện đúng. Bởi, sinh viên tốt nghiệp có thể làm các công việc liên quan gần đến chuyên ngành nhưng vẫn yêu cầu trình độ đại học. Đơn cử sinh viên học ngành quản trị kinh doanh làm việc trong lĩnh vực tài chính có thể được xem là phù hợp, nhưng tiêu chí này cần được định nghĩa rõ ràng hơn. Một trường hợp khác là sinh viên làm các công việc phổ thông không đòi hỏi trình độ chuyên môn, yêu cầu bằng đại học, nhưng một số trường vẫn tính vào tỷ lệ “có việc làm”, dẫn đến dữ liệu không phản ánh đúng chất lượng đào tạo.
“Chúng ta phải nhìn vào thực tế, một sinh viên thành đạt thường có tâm lý dễ trả lời khảo sát hơn, trong khi những người thất nghiệp hoặc chưa ổn định thường né tránh. Điều này làm mất cân đối dữ liệu, vì chỉ số khảo sát không đại diện cho toàn bộ sinh viên tốt nghiệp.
Trong một số trường hợp, để xác thực thông tin việc làm, các trường cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng cung cấp thông tin về nhân sự của họ.
Khi dữ liệu không chính xác hoặc không đầy đủ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường mà còn gây nhầm lẫn cho phụ huynh và sinh viên. Những tỷ lệ gần 100% được công bố trên các website của trường có thể gây hiểu lầm rằng sinh viên tốt nghiệp chắc chắn sẽ có việc làm tốt. Khi kỳ vọng không được đáp ứng, phụ huynh và sinh viên có thể quay lại trách móc nhà trường.
Bên cạnh đó, việc con số công bố chưa thực chất có thể dẫn đến định hướng sai trong tuyển sinh. Các ngành học có tỷ lệ ‘việc làm phù hợp’ cao có thể thu hút nhiều thí sinh hơn, trong khi những ngành có tỷ lệ thấp lại gặp khó khăn trong tuyển sinh, bất chấp nhu cầu thực tế của thị trường lao động”, thầy Cang nêu quan điểm.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang kiến nghị, để cải thiện chất lượng thống kê và phản ánh trung thực hơn về tỷ lệ việc làm của sinh viên, các trường đại học cần có các biện pháp sau: Tăng cường sự hợp tác với doanh nghiệp; định nghĩa rõ ràng “việc làm phù hợp”; áp dụng công nghệ trong khảo sát và xác thực; tăng cường kết nối với sinh viên sau tốt nghiệp; nâng cao nhận thức về trách nhiệm trả lời khảo sát.
“Việc xác định tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng dữ liệu, các trường đại học cần cải thiện, đổi mới các phương pháp trên. Chỉ khi đó, tỷ lệ này mới thực sự phản ánh đúng thực trạng, góp phần định hướng giáo dục và đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội”, thầy Cang khẳng định.
Gỡ vướng bằng cách xây dựng mạng lưới chặt chẽ với cựu sinh viên và doanh nghiệp
Để giải quyết khó khăn trong việc thu thập dữ liệu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, trường đại học cần xây dựng hệ thống khảo sát chuyên nghiệp. Trong thời gian sắp tới, các trường nên tính toán ngân sách và đầu tư vào hệ thống khảo sát số hóa, tự động nhắc nhở sinh viên phản hồi và lưu trữ dữ liệu một cách hiệu quả.
Thứ hai, các trường cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp. Việc duy trì kết nối chặt chẽ với thị trường lao động không chỉ giúp sinh viên tìm việc dễ dàng hơn mà còn giúp trường có thông tin chính xác về tình trạng việc làm của họ.
Thứ ba, trường đại học thường xuyên khuyến khích sinh viên tham gia khảo sát. Nhà trường có thể áp dụng các chính sách khuyến khích như cung cấp hỗ trợ tìm việc làm hoặc tham gia các khóa đào tạo kỹ năng để sinh viên thấy được lợi ích khi phản hồi thông tin.
“Các trường đại học cần nhận thức rõ, việc hỗ trợ sinh viên tìm việc không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố nâng cao thương hiệu. Các đơn vị chuyên trách về kết nối doanh nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm và xây dựng các cơ sở dữ liệu việc làm nên được đầu tư mạnh mẽ.
Do đó, việc tính toán tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm không chỉ là một bài toán kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự phối hợp giữa nhà trường, sinh viên và các bên liên quan. Để con số này trở nên ý nghĩa và đáng tin cậy, cần một cách tiếp cận toàn diện, minh bạch và hướng đến lợi ích lâu dài của cả nhà trường lẫn người học”, thầy Thanh bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường trở thành một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả đào tạo và sức hấp dẫn của các trường đại học. Do đó, nhà trường đã áp dụng nhiều giải pháp để thu thập nhiều dữ liệu để thống kê chính xác và minh bạch.
Một trong những giải pháp nhà trường luôn chú trọng là xây dựng mạng lưới cựu sinh viên và doanh nghiệp. Khi mạng lưới trở nên liên kết chặt chẽ sẽ tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa nhà trường, sinh viên cũ và doanh nghiệp. Hiện nhà trường có các chương trình hỗ trợ sau tốt nghiệp như học bổng thạc sĩ, khóa học kỹ năng miễn phí hay các buổi hội thảo nghề nghiệp, từ đó sẽ tạo động lực để cựu sinh viên giữ kết nối với trường.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong thu thập dữ liệu có thể giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác của khảo sát. Một số trường đã áp dụng các ứng dụng di động hoặc nền tảng trực tuyến để thu thập và phân tích thông tin từ sinh viên sau tốt nghiệp. Những công cụ này không chỉ giúp tăng tỷ lệ phản hồi mà còn đảm bảo tính cập nhật của dữ liệu.
Ngoài ra, các trường nên tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên. Đồng thời, việc doanh nghiệp cung cấp dữ liệu về tỷ lệ tuyển dụng sinh viên từ các trường cũng sẽ giúp tạo thêm nguồn thông tin đối chứng đáng tin cậy.
“Việc công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm không chỉ là một con số khô khan, mà còn là thước đo chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của các trường đại học. Tuy nhiên, nếu quá trình thu thập và công bố số liệu không chính xác, nó có thể dẫn đến hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của nhà trường.
Do đó, để xây dựng lòng tin với xã hội và giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp tốt hơn, các trường đại học cần nỗ lực hơn trong việc cải tiến phương pháp khảo sát, xây dựng mối liên kết chặt chẽ với sinh viên và doanh nghiệp, và đảm bảo tính minh bạch trong các báo cáo. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.
Thu Thuỷ