Xu hướng tuyển sinh nào sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh?

Xu hướng tuyển sinh nào sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh?

Hiện các thí sinh và trường đại Học đang chờ Bộ GD&ĐT công bố Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non từ năm 2025. Đây sẽ là căn cứ cao nhất để các cơ sở đại học đưa ra đề án tuyển sinh của mình.

Theo dự thảo mới nhất, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh về việc xét tuyển sớm, trong đó, chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định nhưng không quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Ngoài ra, nếu xét điểm học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, các phương thức xét tuyển phải quy về một thang điểm chung.

Lý giải có sự điều chỉnh này, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay Bộ GD&ĐT mong muốn trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh ở những năm trước.

Việc đưa ra giới hạn 20%, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của Học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Thực tế, trong mùa tuyển sinh năm 2023, báo cáo của Bộ GD&ĐT đã chỉ ra xét tuyển sớm là xu hướng của các trường. Năm 2023, số lượng cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214 trên tổng số 322 đơn vị. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm là trên 375.500 em. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo gần 302.000 em.

Tuy nhiên, cách xét tuyển như vậy bộc lộ nhiều hạn chế, bởi thí sinh phải đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học tại cơ sở đào tạo và trên Hệ thống chung của Bộ GD&ĐT, dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh.

Nhiều em mới đủ điều kiện trúng tuyển tại cơ sở đào tạo nhưng không đăng ký xét tuyển trên Hệ thống khiến không được công nhận kết quả, có một số trường hợp chưa đảm bảo công bằng với xét tuyển bằng kết quả thi THPT.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết một số trường không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên hệ thống, báo cáo không đúng thời gian quy định, đặc biệt khi gọi thí sinh nhập học khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.

Xu hướng tuyển sinh nào sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh?- Ảnh 1.

Ông Trần Mạnh Hà – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Hà – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng nhận định xu hướng tuyển sinh trong những năm tiếp theo các trường đại học sẽ tăng tính tự chủ trong công tác tuyển sinh.

“Dự báo cơ sở giáo dục sẽ giảm tỉ lệ tuyển sinh học bạ và lấy điểm tốt nghiệp THPT, tăng các tỉ lệ xét tuyển bằng các kỳ thi riêng và phương thức kết hợp các phương thức khác”, ông Hà cho hay.

Còn tại Trường Đại học Hà Nội, dự kiến năm 2025 sẽ giữ ổn định 3 phương thức đó là: Tuyển thẳng, xét tuyển sớm và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nhận thấy việc dự kiến không cho phép các trường đại học công bố xét tuyển sớm trước 31/5 là hoàn toàn hợp lý bởi thời điểm đó, học sinh còn chưa biết kết quả tốt nghiệp THPT, các em sẽ phải tập trung cho kỳ thi.

“Việc xét tuyển sớm hay nên là để các em có thêm một phương án lựa chọn ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng cơ hội trúng tuyển cho các em”, ông Dũng bày tỏ.

Xu hướng tuyển sinh nào sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh?- Ảnh 2.

Ông Đinh Đức Hiền cho rằng không nền “cào bằng” với con số 20%.

Tuy nhiên, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Đức Hiền – Phó hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang băn khoăn với con số 20% và không rõ căn cứ vào đâu để áp dụng quy định này cho tất cả ngành và trường, cả công lập và ngoài công lập.

Thay vào đó, ông Hiền đề xuất chỉ nên đưa ra các rào cản liên quan kỹ thuật để xét tuyển sớm trở nên hiệu quả với từng nhóm trường hoặc nhóm ngành, không nên giới hạn. Ngoài ra, việc điều chỉnh cũng cần được nghiên cứu kỹ về thời gian, tránh ảnh hưởng tới học sinh.

“Hiện, các em đã chuẩn bị hoàn thành chương trình kỳ I. Nếu dự thảo được thông qua, làm cơ sở để các trường công bố đề án, thì cần phải đến đầu năm sau mới có những phương án cuối cùng. Nếu vậy, quá sát thời gian thi, khó để học sinh thay đổi nguyện vọng của mình”, ông Hiền bày tỏ.

Đưa ra lời khuyên cho các em, ông Đinh Đức Hiền cho rằng nên ưu tiên cho kỳ thi tốt nghiệp, không lơ là để tập trung ôn các phương thức khác. Đối với xét tuyển bằng kỳ thi riêng, học sinh chỉ thêm tham dự 1-2 kỳ thi, không nên ôm đồm, dẫn tới giảm hiệu quả.

https%3A%2F%2Fwww.nguoiduatin.vn%2Fxu-huong-tuyen-sinh-nao-se-dam-bao-cong-bang-cho-thi-sinh-204241127192108435.htm

Hải Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *