Học thêm vì điểm số, vì sợ cô?
Có hai con Học lớp 8 và 11, chị Nguyễn Lệ Thuỷ (42 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) mỗi tháng chi trung bình hơn 1,5 triệu đồng tiền học thêm cho con tại trường. Sau buổi sáng học chính khoá, buổi chiều nhà trường tổ chức học bổ trợ, Học sinh và phụ huynh đăng ký trước từ đầu năm học.
Thay vì tốn hàng chục triệu đồng như vài năm trước, giờ việc học thêm buổi chiều ở trường giúp chị tiết kiệm được khoản tiền mỗi tháng. Thế nhưng, từ khi có dự thảo thông tư về việc “mở đường” cho Giáo viên Dạy thêm chính học sinh của mình, ngoài giờ làm việc ở trường, chị và nhiều phụ huynh khác băn khoăn lo sẽ quay trở lại thời kỳ trước đây con sẽ phải đi học thêm tối ngày ở nhà cô giáo.
Cần có các biện pháp quản lý đảm bảo không tái diễn tình trạng ép học sinh học thêm. (Ảnh minh hoạ)
Nói là không ép buộc học thêm nhưng mỗi lần kiểm tra định kỳ, đề thi cô giáo ra đa phần đều đã dạy trước ở lớp học thêm, em nào đi học thì điểm cao, ai không đi thì điểm thấp. Hay việc, bạn nào đi học thêm ở nhà cô thì luôn được ưu ái, chăm sóc tốt hơn khi ở lớp, còn em nào không học thêm thì gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số giáo viên còn “đì” học trò nếu không học thêm với mình mà theo lớp của giáo viên khác.
“Không giáo viên nào nói ra ép học sinh phải đến nhà học thêm nhưng những hành động của cô với học sinh lại ngược lại, phụ huynh, học sinh nào dám không đi học, đôi khi đăng ký học thêm cũng vì mong con không bị “đì”, vị phụ huynh chia sẻ.
Vừa là giáo viên, vừa có hai con đang học tiểu học và THCS, cô giáo Lê Thị Linh (Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, không nên cho phép dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp.
“Là giáo viên nên tôi hiểu, nhiều thầy cô tập trung giảng kỹ các nội dung mới cho học sinh tại lớp học thêm, còn trên lớp chỉ giảng qua loa rồi cho các em tự làm bài tập. Em nào không theo thì có hai lựa chọn: một là tự học, tự hiểu và hai là đến nhà cô để được giỏi hơn”, chị dẫn chứng.
Cô Linh thừa nhận dạy thêm, học thêm không phải là xấu và không thể phủ nhận những điểm tích cực của hoạt động này. Đi học thêm sau giờ học thể hiện tinh thần hiếu học của học sinh, tinh thần phấn đấu, nỗ lực, từ đó kết quả học tập của các em cũng tốt lên từng ngày.
Tuy nhiên, việc dạy thêm chính học sinh của mình là không nên, để ngăn tái diễn việc giáo viên ép học sinh lớp mình đến nhà học, cần sự khách quan trong hoạt động này thì giáo viên mới có thể tự hào, đàng hoàng kiếm những đồng tiền từ năng lực.
Ai sẽ quản lý giáo viên dạy thêm?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Để quản lý tốt việc dạy thêm, dự thảo yêu cầu, nếu thầy cô dạy thêm thì cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Giáo viên cần nêu rõ lý do tại sao; mục tiêu là gì; nội dung ra sao, thời lượng thế nào… Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Quy định số tiết dạy thêm tránh tình trạng học thêm tràn lan, tốn kém. (Ảnh minh hoạ)
Vấn đề là minh bạch thông tin, dự thảo đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Theo ông Thành, khi xây dựng dự thảo này, Bộ hướng đến mục tiêu cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
“Bộ GD&ĐT không cấm giáo viên dạy thêm khi các em và phụ huynh thực sự mong muốn, có nhu cầu. Thầy cô được đàng hoàng dạy học sinh của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc”, Vụ trưởng nhấn mạnh.
Hơn nữa, giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD&ĐT hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định được ban hành.
Cùng với đó, dự thảo cũng quy định tổng thời lượng dạy chính khóa và dạy thêm trong trường không quá 35 tiết mỗi tuần với cấp tiểu học, 42 tiết với THCS và 48 tiết với THPT. “Việc đưa vào dự thảo thông tư nhằm tạo khung tối đa cho các trường, tránh quá tải cho học sinh và dạy thêm tràn lan”, ông Thành nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho rằng, các cấp học đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với định hướng là phát triển năng lực, phẩm chất người học. Việc dạy học vẫn chưa thoát được kiểu nhồi nhét kiến thức, chạy theo điểm số, thể hiện rất rõ ở việc dạy thêm, học thêm.
Mục đích của việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu là để có điểm số cao. Việc đánh giá thi cử hiện nay vẫn là lý do khiến tâm lý chạy theo điểm số nặng nề. Việc học thêm không giúp trẻ phát triển năng lực, kỹ năng mà chỉ mang đến áp lực mệt mỏi. Nhiều đứa trẻ không có tuổi thơ vì phải học thêm quá nhiều.
Vấn đề cần giải quyết gốc rễ là làm sao đảm bảo học sinh học thêm trên tinh thần tự nguyện, nhu cầu thật chứ không phải ép buộc.
Đồng thời, chính các bậc cha mẹ cần nhìn thấy tác hại của việc cho con học thêm quá nhiều. Một đứa trẻ phải học thêm quá nhiều chưa chắc trở thành người thành công trong tương lai. Học thêm vì điểm số là tư duy cần được loại bỏ.
“Trong quy định về dạy thêm, học thêm nên dứt khoát cấm dạy thêm ở bậc tiểu học và có các biện pháp hạn chế ở bậc trung học. Để hạn chế dạy thêm học thêm, việc tuyển sinh vào các trường chuyên, trường chất lượng cao cũng cần nghiên cứu phương thức khác, hạn chế việc tập trung vào kỳ thi khiến học sinh phải chạy theo việc học thêm để có điểm số cao”, ông Lâm nói.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm từ ngày 22/8 đến hết 22/10. Điểm nổi bật nhất trong dự thảo lần này là việc giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình.
Toàn văn dự thảo: Xem tại đây