Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư Quy định về Dạy thêm, Học thêm để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ xã hội.
Người viết là một Giáo viên tiểu Học có 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cũng xin được chia sẻ đôi điều về một số quy định dạy thêm học thêm trong dự thảo.
Quy định không ép buộc học thêm không mới nhưng thực hiện không hề dễ dàng
Khoản 1, Điều 3 dự thảo Thông tư quy định về “Nguyên tắc dạy thêm, học thêm” nêu: Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi Học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Đây rõ ràng không phải quy định mới, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm cũng đã nêu rõ:
“Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm”. Rồi Khoản 5, Điều 22, Luật Giáo dục 2019 cũng đã có quy định nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”…
Tuy nhiên, thực tế là trước khi có các quy định và dự thảo trên, có xảy ra tình trạng học sinh bị ép buộc phải đi học thêm không? Câu trả lời của không ít phụ huynh chắc chắn là có.
Thực tế có muôn hình vạn trạng cho việc này. Phụ huynh râm ran bàn luận, gửi phán ánh đến cơ quan báo chí đều có. Tuy nhiên, số lượng vụ việc có thể chứng minh, kết luận là giáo viên ép buộc học sinh học thêm không nhiều và khó có đủ chứng cứ.
Có quy định nếu giáo viên ép buộc học sinh đi học thêm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên trong thực tế, vẫn tồn tại những thầy cô giáo như vậy. Nhưng tại sao, những giáo viên bị xử lý không có nhiều. Đầu tiên là việc khó chứng minh được thầy cô giáo ấy đã ép buộc học sinh đi học thêm.
Hoặc có bằng chứng nhưng đa phần phụ huynh dù bức xúc cũng không dám lên tiếng công khai. Vì thế, câu chuyện vi phạm dạy thêm học thêm không trong sáng vẫn cứ tồn tại.
Một đồng nghiệp dạy tiểu học với tôi đã kể rằng, con của chị không đi học thêm. Khi kiểm tra bài cũ, câu hỏi có nội dung đã học thì trả lời rất tốt nhưng câu hỏi nâng cao nhiều khi không làm được.
Khi làm bài kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ cũng vậy, thường những câu hỏi nâng cao chiếm từ 1 đến 2 điểm phải loay hoay, vất vả tính toán nhưng đôi khi không lấy được điểm tuyệt đối.
Trong khi đó, có một số bạn học lực kém hơn lại giải một cách nhanh chóng. Đơn giản là bài này học sinh đi học thêm đã được giải nhuần nhuyễn. Nghe con kể, đồng nghiệp xót con nên đã viết đơn xin cô cho con được đi học thêm. Và đây chính là minh chứng cho sự tự nguyện của phụ huynh.
Ngay chính người viết cũng từng rơi vào tình trạng không muốn cho con đi học thêm cũng phải đi. Năm ấy, con gái tôi học lớp 11. Con không đi học thêm thầy dạy trên lớp mà học một thầy dạy khác cùng trường. Con kể, có lần lên bảng giải bài tập, con đang lúng túng tìm cách giải quyết thì thầy cho về chỗ và ghi điểm yếu.
Thế nhưng, một vài bạn khác cũng gặp lúng túng như con nhưng lại được thầy gợi ý và các bạn hoàn thành bài làm một cách khá tốt. Con tìm hiểu mới biết được các bạn đều đi học thêm thầy.
Nếu hỏi, thầy có công bằng với học sinh không? Đương nhiên là không. Vậy thầy có ép học sinh phải đi học thêm mình không? Về lý, thầy không ép, nhưng học sinh trong lớp ai cũng hiểu là có. Tuy nhiên, để chứng minh thầy dùng “thủ đoạn” ép buộc lại không hề dễ dàng. Vì thế, để xử lý giáo viên ép học sinh phải đi học thêm là vô cùng khó.
Tổ chức dạy môn tự chọn, kỹ năng sống, Toán – Tiếng Anh trong nhà trường có phải là học thêm, dạy thêm?
Khoản 5, Điều 3 của dự thảo nêu: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày”.
Hiện nay, ở một số địa phương vẫn đang tổ chức dạy liên kết, dạy tăng cường trong trường học như dạy kỹ năng sống, dạy tự chọn ở môn tiếng Anh, dạy Toán – Tiếng Anh, Stem…
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh khối lớp 1 và 2 không học tiếng Anh chính khoá. Ở nhiều trường học hiện nay đã lấy ý kiến phụ huynh để mời giáo viên về giảng dạy, học phí học môn tự chọn phụ huynh phải đóng.
Hoặc ở một số trường học khác, lại liên kết với các công ty, trung tâm tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường bên cạnh chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, hình thức tổ chức dạy học có thu tiền trong nhà trường hiện nay ở những trường học 2 buổi/ngày có phải là dạy thêm học thêm?
Để tránh tình trạng học thêm núp bóng, dự thảo cũng cần làm rõ quy định về dạy nâng cao, dạy liên kết, dạy tự chọn trong nhiều trường học hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thuận Phương