‘Dạy thêm khiến giáo viên thành thợ dạy, có hại cho nền giáo dục nói chung’

‘Dạy Thêm Khiến Giáo Viên Thành Thợ Dạy, Có Hại Cho Nền Giáo Dục Nói Chung’

TPO – Nhà nghiên cứu Giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng việc Dạy thêm, dạy luyện thi làm cho Giáo viên xa rời việc đọc sách, tự nghiên cứu chuyên môn sâu, tiếp cận giảng dạy… dần dần biến giáo viên thành một thợ dạy đúng nghĩa. Cái này có hại cho nền giáo dục nói chung và sự phát triển của dân tộc.

‘Dạy Thêm Khiến Giáo Viên Thành Thợ Dạy, Có Hại Cho Nền Giáo Dục Nói Chung’ Ảnh 1

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương

Lâu nay, vấn đề dạy thêm, Học thêm vẫn được coi là chủ đề “nóng”. Vì thế, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, Học thêm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến góp ý đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận, của phụ huynh, Học sinh khi năm học mới đang cận kề.

PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương để hiểu thêm về vấn đề này.

Dạy thêm biến giáo viên thành thợ dạy?

PV: Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo về quy định cho giáo viên dạy thêm ngoài trường. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Nói một cách thẳng thắn tôi không nghĩ quy định đó hợp lý và có tác dụng tốt, lâu dài. Đơn giản vì hai lẽ.

Thủ phạm chính tôi nghĩ là do giáo dục và xã hội đặt nặng thi cử, bằng cấp coi nó là mục đích của giáo dục. Cả xã hội đua tranh lao vào những cuộc thi vô bổ trong và ngoài trường cùng cái danh xoay quanh bằng cấp, điểm số.

Một là trên thực tế việc dạy thêm chính học sinh lớp mình, trường mình của giáo viên trường công đã diễn ra từ rất lâu rồi, bây giờ nếu quy định được đưa ra chỉ là thừa nhận một thực tế đã có từ trước mà thôi, nó tạo cho giáo viên dạy thêm có cảm giác yên tâm, được công nhận chứ không giải quyết được việc gì cả.

Hai là trên thế giới họ đã giải quyết việc này từ lâu bằng một giải pháp hợp lý dung hòa được quyền lợi các bên, đảm bảo tính tôn nghiêm của nghề giáo và tính công cộng của trường học. Đó là tách dạy thêm ra khỏi trường học và giáo viên trường học. Theo đó, người bị cấm dạy thêm sẽ là giáo viên trường công có hợp đồng dài hạn, giáo viên trong biên chế. Đối với giáo viên trường tư thì các trường thừa thông minh để có quy chế quản lý hiệu quả và tránh được hệ lụy của việc giáo viên dạy thêm ở trong và ngoài trường. Vấn đề này do từng trường tư tự chủ dựa trên hợp đồng với giáo viên là người lao động.

Chẳng hạn ở Nhật Bản, việc dạy thêm sẽ được tiến hành ở gia đình học sinh, ở các trường Juku (giống trung tâm luyện thi). Những giáo viên làm việc này là gia sư chuyên nghiệp, giáo viên của trung tâm, giáo viên độc lập, giáo viên đã về hưu… Giáo viên trong biên chế, giáo viên có hợp đồng dài hạn với trường công tuyệt đối không được tham gia dạy thêm dưới bất cứ hình thức nào. Tất nhiên điều kiện đi kèm là lương giáo viên đủ sống để không cần phải làm bất cứ việc gì ngoài công việc của mình.

PV: Theo ông học sinh có cần phải học thêm? Nhìn thấy việc lan tràn học thêm như hiện nay ông có cho rằng là một nhu cầu thực tế mà nếu cấm đoán hay nới lỏng đều để lại những hệ lụy tiêu cực không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Sẽ có một bộ phận học sinh cần phải học thêm ví dụ các học sinh học kém, yếu, mất cơ bản cần phải phụ đạo. Các học sinh học tốt, muốn học nâng cao. Các học sinh đang học các lớp cuối cấp phục vụ thi chuyển cấp như học sinh lớp 9, học sinh lớp 12.

Việc học thêm là chính đáng nếu gia đình, học sinh có nhu cầu và không làm ảnh hưởng tới tính chất công của trường học, sự công bằng trong đối xử với học sinh và bình đẳng trong các mối quan hệ ở trường. Chính vì vậy mà ở nước ngoài người ta mới cấm giáo viên trường công có biên chế, hợp đồng dài hạn dạy thêm.

Ở ta vì không có quy định rõ ràng nên diễn ra tình trạng giáo viên dạy chính học sinh lớp mình, trường mình. Có giáo viên tốt, có lương tâm nghề nghiệp thì họ biết giữ mình, cố gắng không làm ảnh hưởng tới trường, tới các học sinh khác, nhưng vật chất có cám dỗ lớn, hơn nữa trong vô thức, việc chân trong chân ngoài cũng tác động tới suy nghĩ, cách làm…Cuối cùng nó làm xảy ra sự phân biệt đối xử giữa học sinh không đi học thêm và học sinh đi học thêm. Việc phụ huynh cho con đi học thêm chỉ vì “ngại cô”-tức là dùng nó như một phương thức ngoại giao để làm vừa lòng giáo viên cũng có. Nó tạo ra nhiều hệ lụy như sự kính trọng của học sinh, phụ huynh đối với giáo viên suy giảm, tính tôn nghiêm của nghề giáo bị tổn thương, làm cho nhiều người bức xúc.

Nó là bài toán giản đơn thế giới hiện đại giải quyết từ lâu: đưa dạy thêm ra khỏi trường học và cấm giáo viên trong biên chế, giáo viên có hợp đồng dài hạn dạy thêm. Tất nhiên phải có chế độ tiền lương để đảm bảo đời sống cho họ.

Hơn nữa, việc dạy thêm, dạy luyện thi cũng làm cho giáo viên xa rời việc đọc sách, tự nghiên cứu chuyên môn sâu, tiếp cận giảng dạy như một công việc giáo dục trong tư cách một chuyên gia… Giáo viên dần dần thành một thợ dạy đúng nghĩa. Cái này có hại cho nền giáo dục nói chung và sự phát triển của dân tộc.

Vì vậy, bản chất của việc dạy thêm-học thêm không phải là cấm đoán hay thả lỏng mà là cần phải xác định rõ ai được dạy thêm. Theo tôi giáo viên trường công trong biên chế và giáo viên có hợp đồng dài hạn không được dạy thêm. Các thầy cô dạy trường tư thì tuân thủ hợp đồng với trường học dạy. Việc dạy thêm chủ yếu do giáo viên độc lập, gia sư, giáo viên có hợp đồng ngắn hạn làm…

‘Điều quan trọng nhất của giáo dục là phải tạo ra cho được những người công dân tốt’

PV: Theo ông, thủ phạm hàng đầu của việc dạy thêm tràn lan như hiện nay là gì?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Thủ phạm chính tôi nghĩ là do giáo dục và xã hội đặt nặng thi cử, bằng cấp coi nó là mục đích của giáo dục. Cả xã hội đua tranh lao vào những cuộc thi vô bổ trong và ngoài trường cùng cái danh xoay quanh bằng cấp, điểm số.

Sự thiếu thốn trường học THPT, sự sai lầm trong việc biến các trường công thành trường chuyên, trường điểm…tạo ra cạnh tranh không cần thiết, làm mỏi mệt bất an cho người dân khiến họ bắt con học thêm từ sớm, và học thêm rất nhiều cũng là nguyên nhân cơ bản.

Giáo dục cần phải hướng đến sự phát triển toàn diện và lâu dài của con người. Không nên coi nó là một phương tiện, công cụ có tính nhất thời vì các mục tiêu ngắn hạn.

PV: Việc quản lý hay đặt các quy định về dạy thêm trong thời gian qua chưa có tác động gì nhiều đến vấn đề này có lẽ xuất phát từ việc chưa có những nghiên cứu hay những cuộc điều tra xã hội học để trả lời cho hai câu hỏi then chốt đó là tại sao giáo viên phải dạy thêm và tại sao học sinh phải học thêm? Theo ông, chúng ta nên có một nghiên cứu đầy đủ trước khi đưa ra quyết định?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Ở ta rất thiếu các nghiên cứu như vậy. Cần có nghiên cứu kĩ về việc này. Nhưng với tôi thì hướng giải quyết của nó rất rõ. Nó là bài toán giản đơn thế giới hiện đại giải quyết từ lâu: đưa dạy thêm ra khỏi trường học và cấm giáo viên trong biên chế, giáo viên có hợp đồng dài hạn dạy thêm. Tất nhiên phải có chế độ tiền lương để đảm bảo đời sống cho họ. Nước ta muốn giải quyết việc dạy thêm tràn lan làm cho mọi người mệt mỏi cần phải làm song song hai việc này.

PV: Theo ông, điều quan trọng nhất của giáo dục là gì

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Điều quan trọng nhất của giáo dục là phải tạo ra cho được những người công dân tốt biết xây dựng và bảo vệ xã hội theo đuổi những giá trị tốt đẹp như tự do, hạnh phúc, dân chủ, hòa bình, bình đẳng, tôn trọng con người… Giáo dục đồng thời phải làm cho cá nhân ý thức rõ về giá trị của mình, phát huy được tới giới hạn cao nhất của bản thân họ.

Trường học không nên là nơi tạo ra ý thức cạnh tranh mà phải là nơi tạo ra, nuôi dưỡng tinh thần hợp tác, khoan dung, tinh thần truy tầm chân lý đến cùng và khả năng sáng tạo. Nếu trường học chỉ thuần túy tập trung vào thi cử tức là nó trở thành một trung tâm luyện thi, và như vậy phụ huynh sẽ không cần tới trường học.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1982, ở Bắc Giang) từng có 8 năm du học tại Nhật Bản về giáo dục; từng là giáo viên Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh Vương đã dịch, viết gần 100 cuốn sách.

Đỗ Hợp (thực hiện)



https%3A%2F%2Ftienphong.vn%2Fday-them-khien-giao-vien-thanh-tho-day-co-hai-cho-nen-giao-duc-noi-chung-post1669686.tpo

Avatar Of Hải Anh

Hải Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *