Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi trình Thường vụ Quốc hội ngày 24-9 đã loại bỏ quy định giới hạn Học sinh, Sinh viên làm thêm tối đa 24 giờ/tuần.
Theo dự thảo, Học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình Giáo dục chính quy, đủ tuổi lao động theo quy định, sẽ được phép làm việc theo các quy định của pháp luật lao động. Tiền lương của họ được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.
Học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở Giáo Dục của mình. Người sử dụng lao động cũng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật khi sử dụng lao động là học sinh, sinh viên. Đồng thời, cơ sở giáo dục và gia đình cần theo dõi, hỗ trợ các em trong quá trình làm việc.
Trước đó, trong đợt lấy ý kiến từ tháng 6 đến tháng 7, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã đề xuất cho phép sinh viên được làm việc tối đa 24 giờ mỗi tuần, tăng thêm 4 giờ so với quy định trong dự thảo hồi tháng 3.
Dự kiến, dự án Luật Việc làm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10-2024.
Hay tin về việc bỏ đề xuất giới hạn giờ làm thêm cho học sinh, sinh viên, anh Phan Nguyễn Chí Bảo (sinh năm 2005, quê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), sinh viên tại Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn (quận 12, TP HCM), rất phấn khởi. Theo anh Bảo, nhu cầu làm thêm trong sinh viên rất lớn và đó cũng là cách để có thêm chi phí sinh hoạt. Việc quy định giờ làm thêm hợp lý sẽ giúp sinh viên sắp xếp giờ học và giờ làm phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 2003, quê Gia Lai), sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1, TP HCM), cho biết việc làm thêm của sinh viên hiện nay rất phổ biến. Bày tỏ vui mừng khi đề xuất giới hạn số giờ làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần được loại bỏ, chị Mỹ cho rằng việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên trong việc tìm kiếm công việc bán thời gian để trang trải chi phí sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
“Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu từ trải nghiệm này, cần phải biết cách sắp xếp thời gian làm việc một cách hợp lý, nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc học và sức khỏe. Sự cân bằng giữa học tập và làm thêm không chỉ giúp học sinh, sinh viên tích lũy kinh nghiệm quý báu mà còn giữ vững thành tích học tập, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai” – chị Mỹ nói.
Hiện tại, mức lương tối thiểu theo giờ được quy định cho các vùng như sau:
- Vùng 1: 23.800 đồng/giờ – áp dụng cho khu vực kinh tế trọng điểm và các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
- Vùng 2: 21.200 đồng/giờ – dành cho các thành phố trực thuộc tỉnh và đô thị loại 1, loại 2.
- Vùng 3: 18.600 đồng/giờ – áp dụng cho các khu vực phát triển kinh tế trung bình, bao gồm các thị xã và đô thị nhỏ.
- Vùng 4: 16.600 đồng/giờ – dành cho khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa và nông thôn.
Các mức lương này đóng vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp người sử dụng lao động xác định mức lương cho học sinh, sinh viên làm thêm. Điều này đảm bảo rằng không ai nhận lương thấp hơn quy định, từ đó bảo vệ quyền lợi của họ trong thị trường lao động.