Cấm dạy thêm khi giáo viên ‘chạy sô’ kiếm ngoài 120 triệu
Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, Dạy các môn phụ là thiệt thòi vì không thể mở lớp dạy thêm.
“Một giáo viên dạy Toán tại một trường THCS chỗ tôi tổ chức mở lớp dạy thêm ở nhà riêng. Trung bình mỗi lớp như vậy có khoảng 40 Học sinh, thầy thu mỗi em một triệu đồng mỗi tháng (Học hai buổi một tuần, hai giờ mỗi buổi). Với khoảng ba lớp dạy liên tục như vậy, tính sơ sơ mỗi tháng thầy đã có thu nhập 120 triệu đồng mà chẳng phải đóng thuế thu nhập vì có kê khai với cơ quan thuế đâu.
Thời buổi này, chỉ có giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, dạy các môn phụ là thiệt thòi vì không thể mở lớp dạy thêm. Chứ giáo viên dạy các môn chính ở các thành phố lớn, học sinh đi Học thêm nhiều, nên thu nhập của các thầy cô thậm chí còn cao hơn lương của cán bộ nhân viên làm cho công ty nước ngoài là khác”.
Đó là chia sẻ của độc giả GT xung quanh câu chuyện lương và thu nhập của giáo viên hiện nay. Chuyện giáo viên lương thấp, thu nhập cao nhờ việc dạy thêm từ lâu đã là nỗi lo của ngành Giáo dục.
>> ‘Miễn học phí cho con giáo viên vì đâu phải ai cũng có thể dạy thêm’
Nói về thực trạng này, bạn đọc Linh Nguyễn Văn nhận định: “Đúng là nhiều giáo viên ở thành phố có thu nhập rất cao từ việc dạy thêm. Họ thậm chí còn thuê cả sinh viên cùng mấy giáo viên nước ngoài về nhà chia ca dạy thêm mỗi ngày bốn ca từ sáng đến chiều.
Làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi ca dạy thêm từ 15 đến 30 học sinh. Học phí mỗi học sinh khoảng 1-1,8 triệu đồng một tháng. Như vậy, mỗi tháng giáo viên có thể thu được hơn 100 triệu đồng. Sau khi chi trả cho các sinh viên trợ giảng 3,5 triệu đồng và giáo viên nước ngoài 6 triệu đồng một người, họ vẫn lãi 50-55 triệu đồng mỗi tháng.
Chưa kể giáo viên vẫn nhận lương, phụ cấp đứng lớp, thâm niên ở trường khoảng 30 triệu đồng một tháng. Như vậy, họ có thể kiếm đều đặn 80-85 triệu đồng mỗi tháng, cao gấp năm lần lương cán bộ, công nhân, viên chức”.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Lương cơ sở tăng 30% từ 1/7 mà không bị cắt phụ cấp, nhà giáo nhận lương khoảng 6,6 đến gần 30 triệu đồng mỗi tháng, tăng 1,5-7 triệu đồng so với trước.
Độc giả Rain Man nhấn mạnh: “Con tôi bắt buộc phải đi học thêm Toán, Văn, Ngoại ngữ, ngoài ra lại học năng khiếu nhảy, múa, đàn, hát nên gần như đi học kín cả tuần. Tôi hay nói vui con mình giờ bận như CEO, còn tôi chẳng khác nào xe ôm cao cấp cho CEO.
Thực tế, lượng kiến thức hiện nay quá nhiều, lại vượt quá khả năng tiếp nhận của học sinh nên thầy cô dạy trên lớp không đủ, phải học thêm tối ngày cũng chưa chắc giỏi lên. Tôi cứ nhìn cảnh con học mà chán nản, bảo sao tỷ lệ sinh đẻ cứ liên tục giảm sút”.
Bạn đọc Thanhtra kết lại: “Theo tôi không nên dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Lứa tuổi học sinh chủ yếu là cần học kỹ năng sống, đạo đức làm người, kỹ năng giải quyết vấn đề, chứ kiến thức hàn lâm đến khi đi làm có mấy ai vận dụng được.
Nên tập trung vào các môn như Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, thay vì tạo ra phong trào chạy đua học thêm, dạy thêm, chạy theo thành tích mấy môn ít vận dụng vào thực tế như Toán, Lý Hóa rồi bỏ quên mục đích quan trọng nhất của giáo dục là dạy làm người”.
Việt Thành tổng hợp
- Lương giáo viên dưới 10 triệu đồng
- Cháu tôi học thêm từ lớp 1
- Nỗi sợ vô hình khi không cho con học thêm
- ‘Nên cấm dạy thêm’
- ‘Phụ huynh lớp con tôi đề nghị cô giáo mở lớp học thêm’
- ‘Tăng lương giáo viên đồng thời cấm dạy thêm’
https://vnexpress.net/cam-day-them-khi-giao-vien-chay-so-kiem-ngoai-120-trieu-4803345.html