Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định về Dạy thêm, Học thêm để lấy ý kiến đóng góp, thời hạn nhận ý kiến đến hết ngày 22/10/2024. Dự thảo sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành vào ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, Học thêm.
Trong đó, một số quy định cấm dạy thêm, học thêm đã được bỏ, cụ thể các nội dung sau đã không còn ở dự thảo mới: Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với Học sinh mà mình đang dạy chính khóa; không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường…
Thay vì cấm dạy thêm, học thêm, dự thảo có những quy định “cởi trói” cho giáo viên đã tạo ra hai luồng ý kiến. Không ít người đồng tình, vì cho rằng việc dạy, học thêm là nhu cầu tất yếu của giáo viên và học sinh, nhất là khi ở các cấp học cao hơn, các em muốn nâng cao kiến thức nhưng thời lượng chương trình học chính khóa chưa thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bậc phụ huynh bày tỏ lo ngại rằng việc “nới lỏng” có thể sẽ tạo ra sức ép với những em học sinh không lựa chọn học thêm. Hơn nữa, vấn đề đặt ra là nhà trường và các cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát như thế nào để đảm bảo các thầy cô sẽ thực hiện đúng những yêu cầu dự thảo đã quy định?
Các cấp quản lý tăng cường dự giờ, kiểm tra, giám sát
Góp ý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý dạy và học thêm, cô Hoàng Thanh Nga, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (Nam Định) cho rằng: “Việc học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, nếu có cơ chế tốt, sẽ tạo thuận lợi cho cả công việc của giáo viên. Trước đây, dạy thêm ngoài nhà trường thường bị đánh giá tiêu cực, vậy nên, nếu tổ chức xây dựng dưới mô hình các trung tâm dạy thêm, đăng ký kinh doanh theo đúng tính chất pháp lý thì các thầy cô cùng học sinh có thể dạy và học chính đáng hơn.
Chính vì vậy, cần yêu cầu giáo viên trước khi tổ chức dạy thêm, phải có cam kết thực hiện đầy đủ các quy định được đưa ra. Chương trình, kiến thức dạy thêm cần được thầy cô lên kế hoạch, gửi hiệu trưởng phê duyệt. Về phía các cấp quản lý như Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo hay chính lãnh đạo nhà trường, phải có trách nhiệm tăng cường dự giờ, kiểm tra để giám sát”.
Dự thảo mới cũng cho phép thầy cô được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình so với quy định cấm trước đó đề cập trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm.
Đồng tình với những điểm mới trong dự thảo, thầy Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng cho rằng, nhiều năm qua, vấn đề dạy và học thêm vẫn là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi nên cần có sự thay đổi để phù hợp hơn. Sau khi dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến, dù không còn nghiêm cấm nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những quy định cụ thể để vừa đáp ứng nhu cầu của thầy và trò, vừa tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm.
“Quy định cho phép dạy thêm ngoài nhà trường nhưng cần có giấy phép kinh doanh là một “điểm sáng” của dự thảo. Theo tôi, đối với các hoạt động dạy và học ngoài nhà trường, dưới danh nghĩa cá nhân hay trung tâm thì đều được coi như một hình thức kinh doanh dựa trên lĩnh vực giáo dục.
Chính vì vậy, để quản lý, cần phải có quy chế rõ ràng về điều kiện mở lớp, căn cứ vào đó để các cơ quan quản lý, đơn vị phụ trách tiến hành kiểm tra, giám sát”, thầy Dũng phân tích.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thay đổi trên của dự thảo, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với việc các thầy cô được dạy thêm học sinh chính khóa, tuy nhiên, lãnh đạo các trường cần xem xét thực hiện quản lý minh bạch. Khi phụ huynh tìm đến giáo viên dạy ngoài nhà trường để gửi gắm con em mình, chứng tỏ thầy cô ấy có năng lực giảng dạy tốt, tạo dựng được niềm tin với cả học sinh lẫn phụ huynh.
Hiện tại, ở Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, có những lớp, học sinh còn khá yếu, chỉ giáo viên đứng lớp mới nắm được tình hình cũng như trình độ của các em để từ đó “nương” theo, xây dựng cách dạy tốt và phù hợp nhất với các em. Nếu không cho phép các thầy cô được dạy chính học sinh trên lớp của mình, các em có nhu cầu học bên ngoài sẽ phải tìm kiếm một giáo viên khác.
Tuy nhiên, đôi khi thầy cô mới lại không nắm chắc trình độ của học sinh, phải mất thời gian để làm quen với năng lực của các em. Nếu vẫn không phù hợp, lúc này phụ huynh lại mất thêm thời gian, tiền bạc cho đến khi tìm được người dạy thích hợp; kiến thức của học trò cũng bị ảnh hưởng khi cùng một lúc phải tiếp nhận nhiều phương pháp giảng khác nhau”.
Nên đưa vấn đề “ép” học sinh học thêm vào quy chế thi đua, trừ điểm thật mạnh tay
Một quy định khác cũng được chú ý trong dự thảo đó là việc các thầy cô không được dạy trước chương trình trên lớp cũng như không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra học sinh trên trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những học sinh lựa chọn đi học để được dạy trước chương trình, giúp bản thân không còn cảm thấy bỡ ngỡ với bài giảng mới trong các tiết học chính khóa.
Vậy, câu hỏi đặt ra đối với các cấp quản lý là phải đưa ra cơ chế như thế nào để đảm bảo quy định trong dự thảo được thực thi hoàn chỉnh?
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, để tránh việc giáo viên lợi dụng quy định trên “ép” học sinh học thêm, từ đó, nảy sinh bất công, các nhà trường cần tiến hành khảo sát lấy ý kiến thường xuyên hơn.
“Nên đưa vấn đề này vào quy chế thi đua, trừ điểm thật mạnh tay với những trường hợp tiết lộ đề hay đưa những câu hỏi dạy thêm vào đề kiểm tra.
Ngoài ra, hiệu trưởng các nhà trường cũng nên thông qua các buổi họp với ban đại diện phụ huynh để khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh lẫn học sinh; thu ý kiến nhận xét về chất lượng giáo dục, thái độ thầy cô cùng mức độ cải thiện năng lực học sinh sau quá trình học thêm.
Như vậy, khi có tiêu cực, phụ huynh sẽ chủ động phản ánh với nhà trường, ban giám hiệu có nhiệm vụ tiếp thu ý kiến và đứng ra xử lý, từ đó, giúp tăng tính dân chủ trong giáo dục”, nữ hiệu trưởng đề xuất.
Về vấn đề này, thầy Đoàn Việt Dũng nêu ý kiến: “Sở dĩ vẫn còn tình trạng dạy và học trước chương trình hay thầy cô sử dụng bài tập dạy thêm để ra đề kiểm tra là do đang hiểu sai lệch bản chất của hoạt động dạy và học thêm.
Tính chất của dạy thêm là phụ đạo kiến thức, vì thế cần có sự phân loại học sinh để thầy cô quản lý năng lực học trò dễ hơn cũng như xây dựng những phương pháp, kiến thức giảng dạy phù hợp thay vì nhồi nhét những bài học mới”.
“Dạy thêm là ôn lại chương trình đã học để củng cố kiến thức cho học sinh và nâng cao hơn nữa cho những em có học lực khá.
Chính vì vậy, cần làm công tác phân loại học sinh để nắm bắt cũng như quản lý năng lực các em tốt hơn. Những em học khá hơn khi đi học thêm, cần được bồi dưỡng. Đối với những học sinh yếu hơn, thầy cô cần giảng lại các bài trên lớp để các em hiểu và nắm vững trước khi tiến hành dạy chương trình mới, như vậy mới đảm bảo đúng tính chất phụ đạo của học thêm”, thầy Dũng chia sẻ.
Cần có quy định mạnh tay với những trường hợp tự mở trung tâm, lớp dạy thêm không qua báo cáo
Chia sẻ với phóng viên, thầy Đặng Văn Khoái, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng cho biết, đơn vị từng gửi văn bản tới các trường, quy định việc cấm dạy trước các bài trong chương trình chính khóa.
Về đề xuất thực hiện hoạt động quản lý dạy và học thêm, thầy Khoái cho hay: “Địa phương cũng chủ trương, trừ trường hợp nâng cao kiến thức cho các em học sinh ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, còn lại việc dạy thêm trước bài trên lớp đều không được phép.
Để công tác giám sát hiệu quả hơn, theo tôi, các nhà trường phải có những quy định mạnh tay với những trường hợp tự mở trung tâm, mở lớp đào tạo dạy thêm không qua báo cáo. Tất cả các hoạt động liên quan như kế hoạch giảng dạy, địa điểm tổ chức đều cần được phê duyệt. Ngoài hồ sơ pháp lý, cũng cần đề ra các tiêu chí về cơ sở vật chất giảng dạy như diện tích hay ánh sáng”.
Lệ Nguyễn