Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu Học năm học 2024 – 2025. Trong đó một trong những yêu cầu chính là tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh, đồng thời đẩy mạnh thực hiện mô hình lớp học mới. Thực tế các cuộc thi trong trường học hiện ra sao?
“Tháng nào cũng thi, nhưng sợ nhất tháng 11”
“Khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa là chúng tôi đã rất áp lực rồi. Nhưng còn một thứ áp lực khác kinh khủng hơn. Đó là hàng loạt cuộc thi do các ngành, các cấp tổ chức mà giáo viên phải tham gia” – cô M., một giáo viên mầm non ở TP.HCM, cho biết.
Tương tự, cô M.H., một giáo viên ở huyện Bình Chánh, cũng chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của giáo viên là Dạy học nhưng chúng tôi nhiều khi khó chuyên tâm. Giáo viên hiện phải tham gia rất nhiều cuộc thi từ cấp phường đến cấp quận rồi cấp thành phố.
Những cuộc thi do nhà trường, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT tổ chức khá nhiều rồi. Đó là chưa kể những cuộc thi do hội, ban, ngành khác tổ chức… Trong đó có nhiều cuộc thi không liên quan gì tới việc giảng dạy nhưng giáo viên vẫn cứ phải đi thi”.
Cô Th., giáo viên tiểu học ở quận 5, tính toán: “Gần như tháng nào chúng tôi cũng có cuộc thi. Những cuộc thi liên quan đến công tác dạy và học như thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì không nói. Đằng này chúng tôi phải tham gia các cuộc thi như biểu diễn thời trang áo dài; thi thiết kế xe đạp hoa – tuyên truyền, vận động người dân không xả rác.
Rồi còn thi thiết kế thời trang tái chế; thi gói bánh tét; thi tìm hiểu về tổ chức; thi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS… Khi đi thi, giáo viên nào cũng phải tươi cười rạng rỡ nhưng đằng sau đó là rất nhiều mồ hôi công sức”.
Khi đi thực tế cho bài viết này, chúng tôi rất bất ngờ khi khá nhiều giáo viên tâm sự mong muốn các cuộc thi nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo hằng năm sẽ giảm đi. Vẫn biết là xã hội tôn vinh, trân trọng và tri ân thầy cô cho Ngày Nhà giáo nhưng hiện nay có vẻ các cuộc thi khá dày đặc khiến giáo viên bở hơi tai.
“Vì đến tháng 11, để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi quay cuồng với các hội thi từ nhỏ đến lớn”, một số giáo viên tâm sự như vậy.
Các giáo viên kể trong trường đã có một loạt hội thi như tiết dạy tốt (còn gọi là thao giảng), báo tường, văn nghệ, trang trí khung ảnh Học sinh, giáo viên viết chữ đẹp… Tiếp theo đó là các hội thi văn nghệ, nấu ăn, cắm hoa, hội thao dành riêng cho giáo viên… Có lẽ vì vậy mà có giáo viên tâm sự thật lòng rằng thời điểm họ vất vả nhất chính là tháng 11 chứ không phải mùa thi hay đầu năm học.
Thầy cô không thi được không?
Cứ tưởng trong các hội thi thì hội thi giáo viên giỏi sẽ nhận được sự đồng tình của đại đa số giáo viên. Nhưng kết quả khảo sát bỏ túi của chúng tôi với 18 giáo viên tiểu học và THCS, THPT ở TP.HCM cho thấy 100% giáo viên đề xuất bỏ cuộc thi giáo viên giỏi.
Lý do là gây áp lực cho người đi thi; cuộc thi giáo viên giỏi hiện nay mang tính trình diễn, khó áp dụng thực tế; tốn kém, giáo viên mất nhiều thời gian, công sức, thi giáo viên giỏi mà học sinh không được hưởng lợi gì…
Tuy nhiên khi xem lại thể lệ các cuộc thi, người viết bài này đều thấy hàng chữ phía bên dưới người tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Vậy nếu áp lực, mệt mỏi thì tại sao các thầy cô không từ chối?
“Tự nguyện nhưng là bắt buộc vì các cuộc thi được đơn vị tổ chức gửi xuống cho hiệu trưởng. Mà nhà trường thì cũng cần danh tiếng (đoạt giải là có danh tiếng), cần mối quan hệ mật thiết với địa phương và các ban, ngành ngoài ngành Giáo dục nên không thể không tham gia.
Khi hiệu trưởng chỉ đạo thì không giáo viên nào dám từ chối. Bởi từ chối sẽ bị đánh giá không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dĩ nhiên khoản tiền thu nhập tăng thêm sẽ giảm rất nhiều. Chưa kể thi đua quý, thi đua năm cũng bị hạ bậc” – cô H., giáo viên ở quận 5, giải thích.
Các giáo viên cho hay khi đã đi thi phải có ý thức trách nhiệm mang giải về cho trường. Mà muốn có giải thì phải đầu tư thời gian, công sức trong khi nhà giáo vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, hoàn tất hồ sơ sổ sách…
Tranh thủ nghỉ trưa tập văn nghệ
Giáo viên còn cho biết đôi khi “quá tải” với các hội thi văn nghệ của các ngành, các cấp. “Cứ đến những ngày lễ là tôi… bị đi thi văn nghệ. Giáo viên đi thi đã rất cực rồi. Nhiều đơn vị còn yêu cầu cả cô và trò cùng thi.
Trong khi đó, học sinh không thể bỏ tiết để tập văn nghệ. Thế là cả cô và trò phải tranh thủ lấy giờ nghỉ trưa để tập” – cô N., giáo viên ở quận 1, chia sẻ.