Các loại rau quả dễ tiêu hóa, tốt cho dạ dày
Dưa hấu, dưa chuột, dâu tây chứa nhiều nước; cà rốt, chuối, việt quất ít carbohydrate có lợi cho người thường đau dạ dày, đầy hơi, gặp các vấn đề tiêu hóa khác.
Người bị đau dạ dày, mắc hội chứng ruột kích thích, gặp một số vấn đề về tiêu hóa nên chọn thực phẩm dễ tiêu hóa. Điều này giúp các triệu chứng bớt nghiêm trọng hơn, góp phần cải thiện tình trạng bệnh. Dưới đây là một số cách chọn rau quả dễ tiêu, giảm đầy hơi, đau bụng…
Thực phẩm ít carbohydrate
Chế độ ăn ít FODMAP hỗ trợ cải thiện triệu chứng cho người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Một nghiên cứu vào tháng 4/2016 được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng châu Âu cho thấy, thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân mắc hội chứng này. Những người tham gia có ít triệu chứng hoặc triệu chứng ít nghiêm trọng hơn như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy…
FODMAP là carbohydrate (carb) chuỗi ngắn, có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và các triệu chứng khác. Nhiều loại trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa thuộc nhóm FODMAP cao. Một số loại có hàm lượng FODMAP thấp bao gồm khoai tây, cà rốt, việt quất…
Trái cây có nhiều nước
Nước có ích cho hệ tiêu hóa, giúp phân hủy thức ăn dễ dàng hơn và làm mềm phân để ngăn ngừa táo bón. Trong số các rau củ quả, dưa hấu là loại có nhiều nước nhất. Theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), 100 g dưa hấu chứa 91,5 g nước, chiếm khoảng 92%. Nó cũng có nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, C. Món salad trái cây với nhiều dưa hấu tạo nên một bữa sáng hoặc ăn nhẹ dễ tiêu hóa. Các loại rau quả có hàm lượng nước cao như cần tây, dưa chuột, dưa đỏ, dâu tây, dứa, bắp cải…
Rau củ quả ít chất xơ
Tùy thuộc vào các triệu chứng tiêu hóa, bạn có thể tăng hoặc giảm lượng chất xơ tiêu thụ. Chất xơ giúp thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa, nhưng quá nhiều cũng có thể gây ra vấn đề. Ăn không nhận đủ chất xơ có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến táo bón. Trong trường hợp này, thực phẩm giàu chất xơ như lê, xoài, quả mọng, khoai tây… có thể làm giảm bớt sự khó chịu.
Thừa chất xơ không phổ biến bằng thiếu chất xơ nhưng nó vẫn gây ra các tình trạng như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy…. Những người gặp các triệu chứng tiêu hóa liên quan đến tiêu thụ quá nhiều chất xơ thử chuyển sang các loại ít chất xơ như cà rốt, dưa hấu, mận, củ cải đường…
Rau được nấu chín kỹ
Rau sống có nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ hơn rau nấu chín. Hàm lượng chất xơ cao hơn trong rau sống có thể khiến hệ tiêu hóa khó chịu và gây ra các triệu chứng khác, nhất là với người đau dạ dày. Khi thức ăn khó nhai hơn, chúng có thể đi qua đường tiêu hóa mà không được nhai kỹ và phân hủy đúng cách. Rau nấu chín kỹ có thể làm giảm chứng khó tiêu vì chúng dễ nhai, ít chất xơ hơn.
Nếu bạn lo lắng chất dinh dưỡng bị mất đi khi nấu nướng thì có thể hấp. Thêm bông cải xanh, súp lơ trắng, cà rốt, đậu xanh, ngô và bí xanh hấp… vào chế độ ăn uống sẽ tốt cho tiêu hóa.
Rau lên men giàu probiotic
Thực phẩm lên men dễ tiêu hóa, nhất là đối với người bị đau dạ dày. Dưa cải bắp, kim chi, dưa chua… chứa nhiều lợi khuẩn, tăng sự đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột. Theo nghiên cứu của Học viện Công nghệ Ấn Độ Madras năm 2014, thực phẩm lên men giàu lợi khuẩn giúp cải thiện chức năng đường tiêu hóa và giảm nguy cơ ung thư ruột già. Nghiên cứu của Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ) năm 2018 còn cho thấy, các thực phẩm này có thể cải thiện quá trình tiêu hóa tổng thể, đem đến nhiều lợi ích như kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Rau củ quả xay nhuyễn
Với người bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc khó nuốt, sinh tố hoặc súp giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Người có dạ dày yếu có thể làm nhuyễn thức ăn để giảm căng thẳng cho hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên, xay nhuyễn thực phẩm có thể phá vỡ chất xơ. Nếu người nhạy cảm với việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ thì nên lưu ý.
Ngoài việc chọn thực phẩm dễ tiêu hóa hơn, người bị đau dạ dày nên hạn chế thực phẩm có thể gây kích ứng. Nhiều người bị dị ứng thực phẩm và nhạy cảm với sữa, gluten, đậu nành… cũng nên hạn chế các thực phẩm này. Nếu các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng kéo dài, bạn có thể thử chế độ ăn kiêng hoặc nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ.