Chuyên gia: Sinh viên IT nên làm việc trước học thạc sĩ
TP HCMChuyên gia trong lĩnh vực khoa Học dữ liệu khuyên Sinh viên ngành công nghệ thông tin nên đi làm để trải nghiệm thực tế, hiểu rõ bản thân, trước khi học lên bậc cao hơn.
Ý kiến nêu bởi hai kỹ sư khoa học dữ liệu – anh Lê Phú (Unilever) và chị Nguyễn Dương (FPT Telecom), trong sự kiện khởi động Sudo Code 2024, chiều 7/9. Sudo Code là chương trình huấn luyện kỹ năng lập trình dành cho sinh viên thuộc các trường đại học trên địa bàn TP HCM hoặc các bạn vừa tốt nghiệp không quá hai năm – những người đang tìm định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực IT.
Trước câu hỏi của một mentee (người học), “nên đi làm luôn hay học tiếp lên thạc sĩ”, mentor (người hướng dẫn) Lê Phú cho rằng nên đi làm khoảng hai năm để hiểu rõ mảng nào mình muốn chuyên sâu. Anh đã chứng khiến nhiều người học thạc sĩ xong rồi lại không thích chuyên môn đó. Trong 5 người bạn đi học thạc sĩ của anh, ba người đã từ bỏ lĩnh vực mà mình theo đuổi. “Tuy nhiên, nếu muốn đi sâu nghiên cứu, trở thành người tiên phong trong lĩnh vực thì có thể tham gia học thạc sĩ luôn”, anh Phú nói.
Chị Dương đồng quan điểm, không nên học tiếp thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân vì biết đâu “những cái mình tập trung vào có thể là những cái mình không thích” trong khi ngành IT rất rộng lớn. Theo chị, nếu kiến thức đáp ứng công việc thì có thể đi làm một thời gian ngắn, sau đó hãy đi học. Còn nếu thực sự muốn học thạc sĩ ngay thì nên vừa học vừa làm, không nên dành hết hai năm chỉ để đi học mà không làm gì vì có thể bị xa rời thực tế. Từ câu chuyện của bản thân, chị Dương nhận thấy sinh viên IT có thể đi thực tập – thậm chí đi làm từ năm tư nên thời gian chuyển giao giữa hai bậc học cũng không quá dài.
Trong phần trao đổi với 30 mentee có mặt tại sự kiện, các mentor như Ngô Hiếu, Minh Anh cũng chia sẻ cách tự học, các nguồn tham khảo để phát triển nghề nghiệp; những khó khăn trong giai đoạn ban đầu mới vào nghề, tầm quan trọng của kỹ năng mềm bên cạnh kiến thức chuyên môn…
Ngoài phiên trao đổi trực tiếp, các bạn mentee còn được tham khảo bức tranh thị trường lao động của ngành khoa học dữ liệu tại Việt Nam qua chia sẻ của chị Nguyễn Dương. Bức tranh cho thấy nhiều triển vọng phát triển nghề nghiệp, đi kèm những thách thức khi lượng sinh viên được đào tạo ngày càng đông. Ngược lại, mỗi người có nhiều cơ hội nâng cao kỹ năng khi thế giới ngày càng mở rộng.
Định hướng nghề nghiệp cho những bạn trẻ đang tìm việc trong lĩnh vực IT chính là mục đích lớn nhất của Sudo Code. Chị Võ Thị Thanh Ngọc (người sáng lập và đứng đầu tổ chức cộng đồng Women Techmaker HCM – đơn vị tổ chức Sudo Code) cho biết, với lĩnh vực công nghệ, trong giai đoạn ban đầu của nghề nghiệp, mỗi người rất cần người hướng dẫn để không phải loay hoay tìm lối đi. “Chương trình nhằm kết nối một cộng đồng IT cùng nhau phát triển”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Sudo Code tổ chức miễn phí, ưu tiên người tham gia là nữ giới. Năm nay, Viettel là đơn vị tài trợ chính, phối hợp cùng Women Techmakers HCMC mang đến nhiều hoạt động và cơ hội phát triển kỹ năng lập trình cho Gen Z. Nội dung chính cùa chương trình năm nay xoay quanh Khoa học dữ liệu – NLP Track. Mentee sẽ tập trung tìm hiểu các thuật toán và mô hình học máy tiên tiến, cơ hội trong phân tích và khai thác dữ liệu; khám phá cách máy tính giao tiếp và hiểu ngôn ngữ con người.
Chương trình học tập kéo dài trong 12 tuần, người học nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ các mentor – là những người đang làm việc trong lĩnh vực, giàu kinh nghiệm để thực hiện những dự án đáp ứng nhu cầu thực. Ngoài ra, người học còn được tham quan các công ty công nghệ hàng đầu như Viettel. Thí sinh cũng được hướng dẫn xây dựng hồ sơ tuyển dụng cá nhân để ứng tuyển vào các doanh nghiệp sau khi kết thúc chương trình.
Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết mong muốn cổ vũ tinh thần bình đẳng giới, khuyến khích nữ giới tham gia trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Đồng hành cùng Sudo Code, đơn vị sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy hết khả năng thông qua hỗ trợ định hướng nội dung, cố vấn chuyên môn. Bên cạnh đó, Viettel dự kiến mang đến nhiều cơ hội Việc làm, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, cho những thí sinh nổi trội. Đơn vị cũng gửi 4 kỹ sư đang công tác tại Trung tâm dịch vụ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Viettel – Viettel AI là Minh Ánh, Ngọc Ánh, Quang Chiều, Chí Minh tham gia đội ngũ 10 mentor của Sudo Code.
Là một trong 10 mentor của Sudo Code 2024, anh Lê Ngọc Thạch cho biết bản thân hiện quản lý một số cộng đồng AI nên khi được ban tổ chức mời đã nhận lời để chia sẻ thêm kiến thức cho các bạn sinh viên. Còn Ngô Hiếu – kỹ sư trí tuệ nhân tạo cho biết lĩnh vực đào tạo của Sudo Code đúng với chuyên môn công việc của mình nên anh sẵn sàng chia sẻ kiến thức với cộng đồng.
Một số những kỹ năng cần thiết của những người làm trong lĩnh vực khoa học dữ liệu chính là tính sáng tạo, khả năng kết nối. Vì thế sự kiện cũng thiết kế một mini game để các mentee làm quen người hướng dẫn và đồng đội trong nhóm của mình. 30 mentor được chia thành 10 nhóm, cùng với mentor thực hiện thử thách làm giá treo ly táo từ 20 que xiên, dây thun, dây nilon. Họ chỉ có một thiết bị duy nhất là cây kéo. Với ý tưởng tạo một tháp ba chân như tháp Eiffel, đề cao tinh thần đoàn kết “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, đội số 3 của mentor Lê Ngọc Thạch đã treo được số lượng táo nhiều nhất và giành giải nhất.
Phan Phú Tuấn (sinh viên năm ba ngành AI trường đại học FPT) cho biết đăng ký tham gia Sudo Code để tìm hiểu ngành học NLP (Natural Language Processing – Xử lý ngôn ngữ tự nhiên) ứng dụng thế nào trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tuấn cũng muốn tìm kiếm một mạng lưới làm việc để có thể giúp ích cho ngành học này. Tuấn chia sẻ cảm thấy rất vui và khá bất ngờ khi biết mình là một trong 30 mentee được lựa chọn trong số hơn 150 hồ sơ đăng ký tham gia, sau khi trải qua nhiều vòng phỏng vấn. “Đến buổi kick-off hôm nay, em cảm thấy đây đúng là một chương trình dành cho mình”, Tuấn nói.
Chung kết Sudo Code mùa đầu tiên thu hút hơn 2.000 lượt người quan tâm với gần 500 người trực tiếp tham dự sự kiện offline. Ban tổ chức kỳ vọng Sudo Code năm nay cũng tiếp cận được con số hàng nghìn bạn trẻ thông qua các hoạt động, hội thảo, bên cạnh 30 mentee cam kết gắn bó cùng chương trình suốt 12 tuần.
Một số hoạt động tại sự kiện
Kim Kim
https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Fchuyen-gia-sinh-vien-it-nen-lam-viec-truoc-hoc-thac-si-4790805.html