Khả năng ứng biến và sáng tạo trong tình huống khó khăn
Huỳnh Nguyễn Vinh (23 tuổi), trợ giảng bộ môn Kinh doanh và thương mại quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, cho biết việc thiếu kinh nghiệm thực tế là một trở ngại lớn đối với Sinh viên (SV) khi đi thực tập, mới ra trường. “Mình đã chủ động tìm kiếm cơ hội Học hỏi từ những người đi trước, tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm, workshop, ngày hội Việc làm. Việc tham gia các dự án thực tế ở doanh nghiệp cũng giúp mình rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và thích ứng với những tình huống mới”, Vinh chia sẻ.
Tháng 6.2022, trong kỳ thực tập tại một công ty thương mại quốc tế chuyên về xuất khẩu nông sản, Vinh đã có một trải nghiệm khó quên. Cụ thể, công ty có đơn hàng lớn xuất khẩu trái cây tươi sang một thị trường khó tính ở châu Âu, yêu cầu khắt khe về chất lượng và thời gian giao hàng. Ban đầu, với vị trí thực tập sinh, Vinh được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhóm theo dõi tiến độ thu mua và đóng gói tại nhà máy.
Tưởng chừng mọi thứ diễn ra thuận lợi, nhưng ngay trước khi lô hàng được đóng gói xong, đối tác bất ngờ thông báo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đã thay đổi. Điều này có nghĩa lô hàng sẽ bị hoãn nếu không đáp ứng tiêu chuẩn mới.
Trong lúc các thành viên khác đang tìm kiếm lô hàng thay thế, Vinh nhớ ra một chi tiết từ buổi hội thảo chuyên ngành từng tham dự trước đó. Tại đó, Vinh đã được giới thiệu về một công nghệ kiểm định chất lượng mới có thể áp dụng nhanh chóng cho nông sản xuất khẩu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Vinh lập tức tìm kiếm thêm thông tin và liên hệ với một công ty cung cấp công nghệ này tại VN, đề xuất hợp tác nhanh chóng để kiểm định lại lô hàng theo tiêu chuẩn mới.
“Nhờ sự chủ động này, nhóm đã có được thiết bị kiểm định chỉ trong vòng 2 ngày và tiến hành kiểm tra lại toàn bộ lô hàng. Kết quả kiểm định thành công, lô hàng được xuất đi đúng hạn và đáp ứng tiêu chuẩn mới của khách hàng. Điều này giúp tránh được thiệt hại lớn”, Vinh chia sẻ.
Từ trải nghiệm này, Vinh nhận ra yếu tố giúp SV tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng là khả năng ứng biến và sáng tạo trong tình huống khó khăn. Sau kỳ thực tập kéo dài 2 tháng, Vinh được lãnh đạo công ty ngỏ lời mời ở lại làm việc nhưng anh đã từ chối để tập trung cho khóa luận tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, Vinh được Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM giữ lại làm trợ giảng đến hiện tại.
Sau 6 tháng thực tập, Nguyễn Quang Phúc Hảo (23 tuổi) đã được doanh nghiệp giữ lại làm việc chính thức. Hiện tại, Hảo là chuyên viên phân tích thị trường tại Công ty Bosch Việt Nam.
“Ban đầu, mục đích chính của mình khi đi thực tập là cố gắng học hỏi nhiều kinh nghiệm. May mắn ban lãnh đạo đã thấy được tiềm năng của mình và giữ lại làm việc đến thời điểm hiện tại. Thời gian đầu, mình gặp khó khăn trong việc vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế và đưa ra kết quả công việc cho doanh nghiệp”, Hảo kể.
Hảo cho biết trong thời gian thực tập đã thể hiện thái độ cầu tiến, khao khát được học hỏi và chủ động xin tham gia vào những đầu việc vừa sức. Khi được giao một nhiệm vụ hay yêu cầu có tính thử thách, Hảo không từ chối mà sẵn sàng dấn thân. “Mình cố gắng chỉn chu trong từng đầu việc và thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời khi được sự góp ý của người hướng dẫn, mình luôn lắng nghe và tìm giải pháp thay thế hiệu quả hơn”, Hảo chia sẻ.
EQ cao sẽ là lợi thế
Chị Tô Thị Loan, Trưởng phòng Tuyển dụng, Công ty cổ phần Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI, cho biết sẵn sàng ký hợp đồng làm việc với những SV thực tập nếu có năng lực, làm việc hiệu quả. Theo chị Loan, đến thời điểm hiện tại, VinAI đã tuyển được 5 SV từ thực tập sang nhân viên chính thức.
Chị Loan cho biết SV thực tập cần có những phẩm chất, kỹ năng nhất định bên cạnh những kiến thức chuyên môn mới được công ty cân nhắc, giữ lại làm việc chính thức. “Sự cầu thị và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Khả năng học hỏi nhanh. Ý thức tự giác và tính kỷ luật cao. Khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng, tinh thần làm việc nhóm trong công việc và các hoạt động khác…”, chị Loan nhận định về những phẩm chất, kỹ năng đó.
Ngoài ra, chị Loan cho biết EQ (trí tuệ cảm xúc) cũng đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh IQ (chỉ số thông minh) trong môi trường làm việc.
“Những người EQ tốt thường có kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, giao tiếp rõ ràng hơn và duy trì được sự bình tĩnh trong các tình huống. Tại VinAI, chúng tôi đánh giá rất cao các ứng viên có EQ cao, họ không chỉ đóng góp vào hiệu suất cá nhân mà còn góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, hài hòa cho toàn đội ngũ”, chị Loan nói.
Chị Loan cho biết sẽ không đánh giá cao những SV thiếu sự chủ động, chờ đợi chỉ thị thay vì tự mình tìm cách giải quyết công việc hoặc đề xuất ý tưởng mới. SV sẽ bị mất điểm nếu giao tiếp không hiệu quả, truyền đạt ý tưởng không rõ ràng, mạch lạc…
Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency, cho biết thường chú ý đến những ứng viên có EQ cao. Yếu tố này rất cần thiết, nhất là SV sau này làm việc trong ngành dịch vụ. Thái độ tốt, khả năng chịu được áp lực, kết nối các mối quan hệ hiệu quả sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc và cơ hội được lên cấp quản lý.
Thạc sĩ Anh Tú khuyên người trẻ đừng để thái độ cản trở khả năng học hỏi: “Các bạn đang sống trong thời đại số, ứng dụng công nghệ, vì vậy việc liên tục trau dồi bản thân rất quan trọng. Nếu cứ giữ tư duy không cởi mở, để bản thân tụt hậu thì có nguy cơ không xin được việc”.
Thạc sĩ Anh Tú nhấn mạnh: “Với cấp độ là người quản lý, tôi sẽ đánh giá cao những SV làm việc năng suất và hiệu suất, người hướng dẫn không phải chỉnh sửa nhiều. Có khả năng sử dụng hiệu quả tài nguyên, ví dụ SV thực tập tại một công ty truyền thông có thể đảm nhận nhiều công việc như: viết content, quay dựng video, dẫn chương trình… và cho ra sản phẩm sử dụng tốt. Tức một cá nhân có kỹ năng làm nhiều việc mà thông thường phải cần đến vài nhân sự mới hoàn thành. Những SV như vậy sẽ được đánh giá cao và doanh nghiệp không ngần ngại trả mức lương hấp dẫn”.