Góp ý tại hội thảo, ông Trần Phước Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức, cho biết nhu cầu làm thêm giờ của Học sinh, Sinh viên là chính đáng, ngoài việc giải quyết được khó khăn về tài chính trang trải Học phí và các khoản sinh hoạt, còn là môi trường giúp học sinh, sinh viên có cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, xây dựng mối quan hệ xã hội, tăng cơ hội để tìm việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp.
Điều 30 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định học sinh, sinh viên từ đủ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không được quá 20 giờ/tuần (trong kỳ học) và không quá 48 giờ/tuần (trong kỳ nghỉ).
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học như dự thảo quy định vẫn là quá nhiều, không đảm bảo thời gian cho các em học tập, nghỉ ngơi. Vì vậy, ông Hùng kiến nghị điều chỉnh quy định là không quá 16 giờ/tuần trong kỳ học.
Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (thuộc Sở GD-ĐT TPHCM), nhận định có thể coi học sinh, sinh viên là đối tượng yếu thế khi tham gia thị trường lao động. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ về việc nếu phát hiện ra những đối tượng này bị thiệt thòi thì báo cáo cơ quan nào.
“Thực tế, các em còn trẻ nên rất ngại đến cơ quan pháp luật, luật cần quy định rõ cơ quan có trách nhiệm xử lý quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là các em học sinh, sinh viên để các cơ sở Giáo Dục có thể bảo vệ quyền lợi của các em tốt hơn.” – ông Đỗ Minh Hoàng góp ý.
Tại hội thảo, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, đề xuất bổ sung đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm là các doanh nghiệp, hợp tác xã… có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ. Điều này sẽ góp phần để Luật Việc làm (sửa đổi) tương thích với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước đó vào ngày 13-9, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn thành phố từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2024. Dự kiến, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 21-10.
THÀNH TRỌNG