Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho hay ngành giáo dục xác định chủ đề năm Học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Công bằng trong giáo dục, chăm lo cho Giáo viên
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp Dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực Học sinh (HS). Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ sẽ xây dựng đề án, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Về phát triển đội ngũ giáo viên (GV), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế GV được giao tại Quyết định số 72 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là GV mầm non, GV dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới – 2018. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của HS. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” GV. Luật Nhà giáo cũng đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn…
Liên quan đến ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm ngân sách thực chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tham mưu các cấp, các ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để bảo đảm chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỉ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định.
Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học. Thực hiện đúng quy định về các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2024 – 2025, tăng cường quản lý nhà nước theo phân cấp đối với các khoản thu theo quy định…
Hà Nội: Háo hức đến những ngôi trường mới
Cùng với HS cả nước, gần 2,3 triệu HS phổ thông và trẻ mầm non Hà Nội sẽ chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Đây là năm học có ý nghĩa quan trọng khi là năm học đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới – 2018 được phủ kín từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các nhà trường thực hiện thống nhất chương trình khai giảng từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30. Trước đó, từ 7 giờ, các nhà trường tổ chức tập trung, đón HS đầu cấp. Lễ khai giảng được tổ chức gọn nhẹ với HS là trung tâm, bảo đảm lễ khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường của HS.
Nhà giáo Nguyễn Phương Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng – cho biết trước kỳ nghỉ lễ, nhà trường đã chuẩn bị cho lễ khai giảng để bảo đảm ngày lễ vui tươi, khích lệ HS học tập. Năm nay, nhà trường đón hơn 300 HS vào lớp 1, nâng tổng số HS toàn trường lên hơn 1.900 em. Ngay sau lễ khai giảng, nhà trường thực hiện dạy học theo thời khóa biểu ngày 5-9 và tổ chức cho HS ăn bán trú để phụ huynh yên tâm đi làm.
Trong năm học này, hàng ngàn HS Hà Nội học tại 39 ngôi trường mới. Cùng với đó là hàng trăm trường được đầu tư, nâng cấp, góp phần tích cực vào việc giảm sĩ số HS/lớp và từng bước giải quyết bài toán thiếu trường lớp tại Hà Nội. Theo nhà giáo Tô Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú, quận Hoàng Mai – trước đây, trường phải chia thành 2 điểm trường nên việc quản lý và triển khai các hoạt động rất vất vả. Năm nay, trường xây mới, 420 HS của 4 khối lớp sẽ được 28 HS yêu trẻ, tâm huyết chăm sóc, nuôi dưỡng với cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ.
TP HCM: Mừng vui, khát khao và những gửi gắm
Chia sẻ về vấn đề tuyển dụng giảng viên, GV, ThS Trần Minh Phụng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Củ Chi (TP HCM), cho biết hiện nay, hầu hết cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đều gặp khó khăn. Cơ chế lương hiện tại rất khó thu hút giảng viên, GV trẻ, có chuyên môn giỏi và nhiệt huyết với nghề. Trong năm học mới 2024- 2025, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, đăng tin tuyển dụng GV có tâm huyết và yêu nghề để nâng cao chất lượng và môi trường đào tạo.
Bà Phạm Thị Thúy Nhài, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình, cho biết những năm vừa qua, tình hình tuyển sinh và chất lượng HS tại trung tâm được nâng cao đáng kể, nhiều HS đậu vào những trường đại học tốp đầu. Trong năm học mới, các GV của trung tâm sẽ tăng cường chuyển đổi số trong giảng dạy, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa cho HS nâng cao kỹ năng mềm. Nhà giáo Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho rằng từ ngày 1-7, lương nhà giáo đã được tăng theo quy định mới, cũng là một niềm vui với đội ngũ thầy, cô. Tuy nhiên, ngoài mong muốn được cải thiện thu nhập, đời sống tinh thần của nhà giáo cũng cần được chăm lo, vun đắp. Theo thầy Bảo, người thầy hạnh phúc mới tạo ra ngôi trường hạnh phúc, bởi hơn ai hết chính người thầy sẽ là người truyền cảm hứng cho HS, cho các thế hệ sinh viên sư phạm.
Nhà giáo Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11), cho rằng GV rất cần được chăm sóc và quan tâm về mặt sức khỏe, tinh thần bằng các hoạt động tư vấn tâm lý, môi trường làm việc lành mạnh, sự hỗ trợ, chia sẻ từ đồng nghiệp. Cha mẹ HS nên có góc nhìn thoáng hơn, cùng chung tay với thầy cô trong hành trình giáo dục tri thức và nhân cách của con trẻ; cần xã hội “thấu cảm và sẻ chia” để đời sống của người thầy được cân bằng.
ThS Lê Văn Nam, GV Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), bày tỏ khát khao lớn nhất của tôi là xây dựng một trường học hạnh phúc, nơi mỗi HS không chỉ đến để học tập mà còn cảm thấy an toàn, vui vẻ và được yêu thương. Muốn vậy, trường học cần lắm một môi trường thân thiện và cởi mở, nơi không còn lo lắng hay áp lực. HS sẽ cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu, sự quan tâm chân thành từ thầy cô và bạn bè. Chính sự ấm áp đó sẽ giúp các em tự tin thể hiện bản thân, bộc lộ những tiềm năng mà đôi khi chính các em chưa nhận ra. Từng HS sẽ được tạo cơ hội để phát triển theo cách riêng, không phải học để đối phó với thi cử mà học để hiểu, để phát triển kỹ năng sống và khám phá thế giới rộng lớn xung quanh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư cho ngành giáo dục
Nhân dịp khai giảng năm học 2024-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư gửi ngành giáo dục. Bức thư có đoạn nêu: “Năm học mới 2024- 2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, tôi mong ngành giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với khí thế của năm học mới, tôi tin tưởng các em học sinh, sinh viên, học viên sẽ nỗ lực học tập, tu dưỡng, tiếp thu và làm chủ kiến thức, hình thành những năng lực cốt lõi, tạo dựng những khát vọng lớn lao để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình. Tôi mong các bậc phụ huynh, vì tương lai con em chúng ta, phối hợp tốt với nhà trường, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong công tác giáo dục”.
Khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp lập cơ sở giáo dục
Bộ GD-ĐT chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho GD-ĐT. Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có KCN, khu chế xuất) thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho người học có nhiều cơ hội lựa chọn các dịch vụ giáo dục có chất lượng.