Cô giáo chủ nhiệm đa năng
Câu chuyện mở đầu bằng tâm sự của một Học sinh lớp 8 khi phải đối mặt với sự thay đổi tâm lý của tuổi mới lớn. Thời gian ấy, em mong manh, nhạy cảm, luôn muốn cuộn mình lại hoặc xù ra để cố che giấu sự yếu đuối và dè dặt. Có nhiều khi em thấy mình trống rỗng, không muốn tiếp xúc với bạn bè, cha mẹ; thấy tháng ngày trôi quá nhạt nhẽo, thậm chí là vô vị.
Và rồi, em may mắn gặp cô Lê Năm, Giáo viên chủ nhiệm kiêm Dạy môn ngữ văn và hoạt động trải nghiệm của lớp. Theo lời học sinh này, sự xuất hiện của cô như một bến trạm, tiếp cho em và các bạn sức mạnh của tri thức, tình yêu thương; điều đó giúp em thay đổi, trưởng thành mỗi ngày. Đầu tiên, em biết cân bằng cuộc sống, biết trân trọng giá trị bản thân; luôn mỉm cười mỗi khi tới lớp; yêu quý bạn bè, thầy cô, cha mẹ, người thân.
Học sinh nhận ra, cô Lê Năm đưa học trò đến với tri thức không chỉ bằng kiến thức, trải nghiệm mà còn ở nụ cười tươi, là những câu nói hài hước nhưng đậm chất nhân văn. Và trên hết, cô luôn nhận mình là người lái đò hạnh phúc vì có những học sinh tuyệt vời. Cô dạy học sinh biết đam mê, có lựa chọn đúng đắn để sống cuộc đời ý nghĩa.
Điểm cuốn hút ở cô Lê Năm còn ở gu ăn mặc thời trang, những hoạt động trải nghiệm sôi nổi cô thiết kế và tổ chức. Trong bất cứ hoạt động nào, ngoài khả năng sáng tạo, cô còn cho thấy cách làm việc khoa học, chỉn chu, tận tụy và trách nhiệm. Tại đó, học sinh được tự do thể hiện chính mình; tự thấy có trách nhiệm trong từng việc được giao.
Chưa dừng lại, cô Lê Năm còn là người có tình yêu thương con người và đam mê với các hoạt động thiện nguyện. Noi gương từ việc làm và hành động của cô, học sinh trong lớp đã cùng quyên góp sách, vở để gửi tặng học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng còn khó khăn, thiếu thốn về điều kiện học tập.
Trong những chuyến dã ngoại – phần thưởng thú vị cô Lê Năm dành tặng học sinh xuất sắc trong từng lĩnh vực luôn làm các em háo hức chờ đợi. Tại các danh lam thắng cảnh, cô trở thành hướng dẫn viên du lịch duyên dáng, giới thiệu cho học trò về nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
“Lời cô nói không chỉ gợi lên vẻ đẹp non sông, hình thành tình yêu quê hương, đất nước và trân trọng lịch sử dân tộc mà còn cho chúng em biết bao trải nghiệm để trưởng thành. Cô thực sự là người khơi nguồn cảm xúc, thắp sáng ước mơ; mở ra trí óc và chạm đến trái tim của biết bao thế hệ học trò”, học sinh bộc bạch.
Vì yêu quý cô, học sinh mong muốn tiếp bước cô trở thành cô giáo để lại gieo suối nguồn yêu thương, trao cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy khát vọng và nhận ra những ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống.
Lan tỏa những bông hoa đẹp của ngành giáo dục
Những dòng tâm sự trong câu chuyện nêu trên là nội dung tác phẩm “Sắc tỏa yêu thương” của nhóm học sinh: Lê Hiền Mai, Vũ Anh Minh, Nguyễn Khánh Băng, lớp 8A0 Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân. Tác phẩm đã xuất sắc giành giải Đặc biệt tại Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” lần thứ V của ngành GD&ĐT Hà Nội.
Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết: Cuộc thi do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động trong toàn ngành, là dịp để học sinh thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy, cô giáo mà mình yêu quý, trân trọng, cảm phục.
Hưởng ứng cuộc thi, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã triển khai rộng rãi tới học sinh các trường THCS và THPT trên toàn TP. Tác phẩm dự thi là những câu chuyện được thể hiện bằng video clip có độ dài tối đa 5 phút.
Qua 8 tháng triển khai, có hơn 1.000 tác phẩm dự thi cấp trường, cấp quận, huyện, thị xã và đã có 418 tác phẩm xuất sắc gửi về Công đoàn ngành dự thi cấp TP. Ban giám khảo cấp TP đã chấm chọn 1 giải Đặc biệt, 10 giải Nhất, 20 giải Nhì và 39 giải Ba, đồng thời gửi dự thi Công đoàn Giáo dục Việt Nam với số lượng chiếm trên 50% toàn quốc.
“Những tấm gương sáng, những bông hoa đẹp của ngành được các học sinh và phụ huynh tin yêu, gửi gắm qua những tác phẩm “Thầy cô trong mắt em” và được lan tỏa những hình ảnh đẹp của nhà giáo Thủ đô tới toàn xã hội. Những cách làm hay, sáng tạo của nhiều nhà giáo được đồng nghiệp học tập để vận dụng phù hợp ở đơn vị mình với cùng mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển giáo dục Thủ đô”, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam chia sẻ.
Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, cùng nhóm tác giả là các học sinh lên nhận giải Đặc biệt, cô Lê Năm cho biết, cô rất xúc động, hạnh phúc, tự hào vì thấy học trò của mình không chỉ trưởng thành về tư duy, lời nói mà còn về hành động. Điều đó thể hiên qua việc một nhóm học sinh lớp cô làm chủ nhiệm đã tập hợp để xây dựng một video xúc động để gửi dự thi.
“Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” rất có ý nghĩa; là cơ hội để học sinh nói lên tình cảm của mình với thầy cô, là lời tri ân thầy cô không chỉ trong ngày 20/11 mà còn ở tất cả các ngày trong năm”, cô Lê Năm nói.
Là người gắn bó với ngành giáo dục 26 năm, cô Lê Năm cho hay, mình đã thực sự làm nghề với nhiệt huyết, trách nhiệm và với tình yêu thương dành cho học trò.
“Khi làm việc gì đó, tôi luôn làm hết mình, không bao giờ nghĩ thiệt hơn. Tôi nhận thấy rằng, giáo dục tâm lý cho học sinh nhiều khi quan trọng và khó hơn giáo dục kiến thức. Tôi yêu thương tất cả học trò và gần gũi với các con, quan sát học sinh từng điều nhỏ nhất để kịp thời nắm bắt tâm lý của các con”, nhân vật chính của tác phẩm đạt giải Đặc biệt tại cuộc thi bày tỏ.
Nhờ sự nhiệt huyết với nghề dạy học và với học sinh, cô Lê Năm được các thế hệ học sinh Trường THCS Kim Giang yêu quý, trân trọng; đồng thời đông đảo phụ huynh trong trường cũng luôn tín nhiệm, biết ơn cô.
“Cô Lê Năm không chỉ dạy các con kiến thức mà còn dạy cách sống, cách làm người và nuôi dưỡng những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả. Cảm ơn cô rất nhiều. Chúng tôi thấy may mắn khi con được học một giáo viên như cô”, phụ huynh Nguyễn Xuân gửi tâm tình đến cô giáo.