Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2024: Thí sinh ráo riết chuẩn bị trước giờ G
Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 (WSC 2024) sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Lyon (Pháp) từ ngày 10/9 đến 15/9 tới đây. Tại đây, Thí sinh phải trải qua từ 15 giờ đến 22 giờ thi trong 4 ngày liên tiếp (tùy từng nghề thi) để chọn ra người chiến thắng được xướng tên trong buổi bế mạc tối 15/9.
Nhằm đạt thành tích tốt nhất tại kỳ thi, đoàn Việt Nam đã tích cực chuẩn bị trong suốt 2 năm qua, ngay khi kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2022 phiên bản đặc biệt kết thúc.
Và tại thời điểm còn ít ngày nữa sẽ bắt đầu khởi tranh, các thí sinh cùng chuyên gia đang hối hả rà soát lại những bài tập kỹ chiến thuật cuối cùng nhằm đạt thành tích tốt nhất tại kỳ thi.
Tại cơ sở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, thí sinh Nguyễn Bách và Lê Văn Thịnh của Nghề công nghiệp 4.0 đang miệt mài ôn luyện dưới sự huấn luyện, tư vấn của chuyên gia Trịnh Công Danh và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.
Theo chuyên gia Trịnh Công Danh, trong quá trình huấn luyện, thí sinh được thực hiện bài thi qua các cuộc sát hạch, khảo sát, đánh giá tiến độ giống như môi trường thi thực tế, cùng các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm Việt Nam chấm.
Mặc dù nhóm không có kế hoạch huấn luyện ở nước ngoài, tuy nhiên chuyên gia, thí sinh luôn theo dõi, cập nhật công nghệ và trao đổi tham gia huấn luyện của các đội tuyển khác trên thế giới, đặc biệt trong các nội dung mới về công nghệ, thiết bị như thiết kế trạm ảo trên ứng dụng Factory Views, Ciros; truyền thông IO-Link giao tiếp với các sensor, actuator; bảo mật và định tuyến đường truyền dữ liệu qua hệ thống mạng của hệ thống…
Còn tại nghề thi robot di động, chuyên gia Trần Vĩnh Phúc chia sẻ, lịch huấn luyện của thí sinh Châu Huỳnh Minh và Trần Khánh Duy trong thời gian này có tăng cường hơn so với thời gian trước.
Ngoài vấn đề chuyên môn, thí sinh và chuyên gia cũng đang theo dõi từng thông tin mới của kỳ thi ở diễn đàn chuyên gia kỹ năng nghề thế giới, trong đó có nhiều vấn đề được ban tổ chức công bố và nhiều vấn đề được làm rõ thông qua các trao đổi của chuyên gia ở diễn đàn.
Cũng theo chuyên gia từng có nhiều năm làm công tác huấn luyện cho nghề robot di động ở kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á này, nghề robot di động đặc thù ở 3 vấn đề là toàn bộ thiết bị do ban tổ chức cung cấp, thí sinh chỉ được phép chuẩn bị linh kiện nhựa tự thiết kế và đề thi mẫu chỉ mang tính chất định hướng các công việc cần làm, tuy nhiên nhiệm vụ cụ thể là không được biết trước.
Từ 3 vấn đề trên, các thí sinh cần suy nghĩ, sáng tạo, tập luyện nhiều chiến thuật trước khi bắt đầu thi nhằm đối phó các tình huống có thể xảy ra trong đề thi. Bên cạnh đó, trong thời gian thi, thí sinh cực kỳ linh hoạt trong việc xử lý tình huống bất ngờ để giải quyết các nhiệm vụ được giao.
“Có thể nói, nội dung thi nghề robot di động không còn là một nghề trăm hay không bằng tay quen mà đòi hỏi thí sinh phải làm chủ chắc chắn kiến thức, kỹ năng cơ bản, nền tảng cho đến các kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn vững vàng, có tính Học thuật cao, cần có tư duy chiến thuật và phân tích, tổng hợp cao để ứng xử linh hoạt trong tất cả các tình huống phát sinh nghề nghiệp”, chuyên gia Trần Vĩnh Phúc khẳng định.
Tại DENSO Việt Nam, “đại bản doanh” chuẩn bị nội dung thi nghề phay CNC và tiện CNC, tinh thần của 2 thí sinh Phạm Thành Đạt và Cù Đức Hiếu đang lên rất cao.
Với sự huấn luyện của chuyên gia Trương Thế Diệu – huy chương bạc kỹ năng nghề thế giới năm 2019 – và Trần Xuân Thái – huy chương bạc kỹ năng nghề thế giới năm 2022, đây đang là giai đoạn nước rút nên các thí sinh tăng cường tập trung vào luyện tập nâng cao độ khó và huấn luyện đối ứng với việc xử lý bất thường.
“Trong quá trình làm bài quên giờ giấc, nhiều hôm cả thầy và trò cùng phải về muộn hơn so với mấy tháng trước. Việc tăng thời gian luyện tập được tính đến nhằm chuẩn bị kỹ càng hơn nữa về mặt kỹ năng cho thí sinh.
Nghề phay CNC và tiện CNC đều có đặc thù là đề đóng, tức là đến thời gian thi mới biết đề được thi các kỹ năng gì và độ khó, độ phức tạp đề thi tăng thế nào. Và như vậy khó khăn và thách thức sẽ tăng lên rõ rệt so với các năm qua, thí sinh cần phải luyện tập trên nhiều dạng bài, tình huống từ cơ bản đến nâng cao khác nhau.
Những yêu cầu này đòi hỏi các chuyên gia, thí sinh phải tìm tòi, sáng tạo những công việc có kỹ năng độ khó, độ phức tạp khác nhau theo tiêu chuẩn kỳ thi kỹ năng nghề thế giới để tạo ra các tình huống phục vụ huấn luyện”, chuyên gia Trương Thế Diệu bày tỏ.
Còn với lắp cáp mạng thông tin, đây là nghề thi có nội dung thi công triển khai hạ tầng hệ thống đường truyền mạng (cáp mạng) với các loại cáp khác nhau như: cáp quang (trong nhà và ngoài trời); cáp đồng CAT6A, CAT6, CAT5e và các loại khác.
Bài thi bao gồm 5 module với tổng thời gian 18 giờ làm trong 4 ngày thi. Nội dung thi thí sinh phải thiết kế, thi công hệ thống cáp cấu trúc và đo kiểm vận hành hệ thống mạng với các thiết bị đầu cuối là máy tính, camera, chuông cửa, Điện thoại, Internet…
Để chuẩn bị nội dung thi này, thí sinh Lê Duy Linh và chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường (chuyên gia Kỹ năng nghề thế giới, chuyên gia trưởng ASEAN và Việt Nam nghề lắp cáp mạng thông tin) đã giành 6 tháng tập trung huấn luyện kỹ năng và thao tác thực hiện hoàn thành bài thi, thực hiện bài thi theo tiêu chí chấm thi Worldskills 2024 Lyon – Pháp của hệ thống CIS với thời gian huấn luyện lên tới 8-12 giờ mỗi ngày kể cả chủ nhật.
Một trong những vấn đề các thí sinh hay gặp phải ở các đấu trường lớn, mang tầm quốc tế là tâm lí thi đấu, đặc biệt là bạn trẻ. Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường cho biết trong thời gian chuẩn bị, thí sinh nghề lắp cáp mạng thông tin lần này được huấn luyện và cọ xát quốc tế với 10 ngày tham gia huấn luyện trực tiếp tại Nhật Bản (có thí sinh đạt HCV của nghề trong nhiều kỳ liên tục) và 5 lần tham gia thi giao lưu với Nhật Bàn, Hàn Quốc, Trung Quốc… dưới hình thức trực tuyến (online).
Do đó, thí sinh đã được trang bị kỹ năng và đặc biệt là kinh nghiệm thi đấu phong phú trước khi tham gia WorldSkills 2024.
Với nghề thi sơn ô tô, thí sinh Nguyễn Minh Dũng và chuyên gia Trần Văn Thanh cũng đang khẩn trương hoàn tất các kỹ thuật để chuẩn bị cho ngày lên đường.
Theo chuyên gia Trần Văn Thanh, nghề sơn ô tô đòi hỏi rất nhiều trang thiết bị dụng cụ cho mỗi module thi nên công việc chuẩn bị dụng cụ, thiết bị cũng tốn khá nhiều thời gian. Dù vậy được sự hỗ trợ tích cực của đơn vị, các thiết bị, dụng cụ được chuẩn bị đầy đủ, phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo giai đoạn nước rút.
“Thời gian gần đây lịch tập luyện cho thí sinh tăng lên nhiều so với mấy tháng trước, thí sinh được bố trí 3 buổi học tài liệu, 3, 4 buổi thực hành trên xe thực tế mỗi tuần kể cả chủ nhật”, chuyên gia Thanh cho biết.
Theo đại diện các nghề thi, trong suốt thời gian chuẩn bị, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo Dục Nghề nghiệp, Vụ Kỹ năng nghề rất quan tâm, thường xuyên cập nhật thông tin về kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới WSC 2024 tới các đoàn, chia sẻ động viên tinh thần thí sinh chuyên gia, luôn hỏi thăm tình hình ôn luyện của thí sinh, kịp thời giải quyết những khó khăn, thủ tục phát sinh.
Mới đây nhất, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường đã tới tại công ty DENSO Việt Nam để dự lễ xuất quân cũng như trực tiếp thăm hỏi tình hình luyện tập và khích lệ thí sinh.
Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới diễn ra tại Pháp từ ngày 10/9 đến 15/9, đoàn Việt Nam có 12 thí sinh tranh tài ở 9 nghề là lắp cáp mạng thông tin, cơ điện tử, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, tiện CNC, phay CNC, robot di động, sơn ô tô, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin và công nghệ công nghiệp 4.0.
Trước đó ít ngày, các thí sinh sẽ tham gia một số hoạt động của Ban tổ chức như hội thảo, triển lãm và tham quan, giao lưu văn hóa với Học sinh các trường tại Lyon.
https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fgiao-duc%2Fky-thi-ky-nang-nghe-the-gioi-2024-thi-sinh-rao-riet-chuan-bi-truoc-gio-g-20240901145459798.htm