Bài viết “Học sinh trung Học phổ thông Học thêm ngoài nhà trường môn nào nhiều nhất?” được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/10/2024 cho biết:
Kết quả khảo sát từ 667 học sinh lớp 10, 11, 12 cho thấy có 81,1% em tham gia học thêm ở ngoài nhà trường vì những lí do khác nhau.
Số lượng mẫu nghiên cứu của nhóm có thể chưa đủ để mang tính đại diện. Tuy nhiên, những con số từ chính việc khảo sát cho thấy, Dạy thêm, học thêm ngày càng như cái lưới bủa vây học sinh nhưng nhiều trường lại chưa có phương án giải quyết.
Về mặt khách quan, việc học thêm đối với học sinh cũng có một số tác động tích cực. Trước hết, học sinh đi học học thêm là để bổ túc kiến thức, có thể do chưa hiểu bài ở trên lớp. Nhiều học sinh muốn có điểm cao, muốn làm bài tốt trong các kiểm tra, kì thi cũng tìm kiếm đến lớp học thêm.
Ngoài ra, mỗi Giáo viên có một phương pháp giảng dạy và truyền đạt khác nhau. Chính vì vậy sẽ có trường hợp học sinh không hiểu bài. Trong khi đó, ở các lớp dạy thêm, giáo viên thường có cách dạy rất dễ hiểu đã thu hút được nhiều học sinh theo học.
Tuy nhiên, việc lạm dụng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường sẽ để lại nhiều hệ luỵ khôn lường. Chẳng hạn, học sinh sẽ mất dần ý thức tự học, tự nghiên cứu, còn giáo viên sẽ bị phụ huynh và dư luận xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm.
Để giải quyết thực trạng này, người viết là giáo viên nhận thấy, hiệu trưởng các nhà trường phổ thông có vai trò rất lớn góp phần giảm thiểu dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường “vô tội vạ” như hiện nay.
Thứ nhất, sau kì kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) có kết quả, hiệu trưởng cần chỉ đạo các tổ chuyên môn thống kê số lượng học sinh giỏi và yếu.
Đối với học sinh giỏi, em nào có nhu cầu tham gia đội tuyển học sinh giỏi thi cấp trường, huyện, tỉnh thì hiệu trưởng phân công giáo viên có năng lực bồi dưỡng cho các em.
Tương tự, với học sinh yếu, hiệu trưởng phân công giáo viên phụ đạo cho các em theo khối lớp vào các buổi không học văn hoá. Mỗi lớp cần khống chế sĩ số không quá 20 học sinh để thầy cô có thể theo sát, giúp các em lấy lại kiến thức.
Thứ hai, sau kì kiểm tra định kì, hiệu trưởng cần phân tích chất lượng, hiệu quả giảng dạy của từng giáo viên bộ môn so với điểm trung bình chung của tổ chuyên môn để có cái nhìn khách quan, chính xác.
Bởi vì, bên cạnh những giáo viên dạy giỏi, hiệu quả thì trường nào (trừ trường chuyên, trường chất lượng cao) cũng có một vài giáo viên dạy chưa đạt vì một số lí do khác nhau.
Chẳng hạn, có giáo viên giỏi chuyên môn nhưng thiếu phương pháp, lại có giáo viên không chịu nâng cao năng lực giảng dạy, thậm chí có người coi nghề dạy học chỉ là “tay trái” vì họ còn bận kinh doanh hay làm việc khác có thu nhập tốt hơn.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng cần sâu sát hơn với học sinh từng khối lớp để lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của các em về tình hình giáo viên dạy học ở trên lớp.
Hiệu trưởng cần công khai hộp thư, số điện thoại, email,… và cam kết bảo mật danh tính học sinh để các em mạnh dạn góp ý.
Hiện nay, hiệu trưởng vừa làm công tác quản lí vừa giảng dạy bộ môn theo quy định nên nhiều người không còn thời gian quan tâm đến học sinh.
Công việc này thường thì hiệu trưởng giao quyền cho giáo viên chủ nhiệm, trong khi không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng làm tốt công việc của mình.
Khi đã có đủ thông tin chính xác về việc giảng dạy của giáo viên bộ môn, cụ thể là những thầy cô bị học sinh, phụ huynh phản ánh, hiệu trưởng cần tạo cơ hội cho họ thay đổi trong thời gian nhất định và có cam kết.
Nếu giáo viên nào không đáp ứng được yêu cầu, trước mắt, người viết đề xuất hiệu trưởng cần chuyển giáo viên sang dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Nếu giáo viên giảng dạy các hoạt động này vẫn không đáp ứng được yêu cầu thì phải tinh giản biên chế.
Thứ ba, đối với giáo viên bộ môn dạy buổi 2, dạy tăng tiết, thầy cô cần tích cực soạn các dạng bài theo năng lực học sinh, cần chấm dứt việc dạy đại trà trong lớp.
Theo đó, giáo viên có thể chia học sinh theo 4 nhóm: giỏi, khá, trung bình, yếu để giao nhiệm vụ học tập phù hợp. Học sinh không cần làm hết các bài tập được giao, các em chỉ cần làm theo năng lực là đạt yêu cầu.
Đối với học sinh cuối cấp, ví dụ lớp 9, lớp 12, giáo viên cần phân tích để học sinh thấy rõ, mỗi người có một năng lực khác nhau, vì vậy lạm dụng học thêm là lợi bất cập hại.
Ví dụ, học sinh lớp 9 em nào học giỏi thì có thể vô những trường tốp đầu; ngược lại, học sinh trung bình thì chấp nhận vô những trường tốp cuối; còn học sinh yếu có thể vô các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, không cần thiết phải học thêm.
Đối với học sinh lớp 12, các em có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau thì cũng không cần phải đi học thêm. Ví dụ, học sinh xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông thì không cần đi học thêm đánh giá năng lực.
Thứ tư, về phía học sinh, cần có tinh thần tự học hoặc học nhóm là một trong những cách học hiệu quả mà không cần phải học thêm.
Tuy nhiên dù áp dụng các phương pháp tự học nào thì việc học sinh tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khi tự học là điều rất cần thiết, tạo tiền đề vững chắc cho cả quá trình học.
Người viết gợi ý 8 quy tắc, tiêu chí cần đạt khi tự học như sau: 1) Lập kế hoạch, mục tiêu, đề ra các phương pháp tự học cụ thể; 2) Sự kiên trì, nhẫn nại; 3) Kỷ luật khi học; 4) Tìm kiếm tài liệu; 5) Tự kiểm tra kiến thức; 6) Học cách ghi nhớ; 7) Chọn lọc thông tin, kiến thức; 8) Hiểu sâu và thường xuyên ôn lại bài.
Học sinh có thể tạo nhóm online (trực tuyến) theo năng lực để học hằng đêm hoặc học vào ngày Chủ nhật. Mỗi tối chỉ cần các em thực hiện các nhiệm vụ học tập được thầy cô giao là đạt yêu cầu và sẽ tiến bộ qua từng ngày.
Dĩ nhiên, giáo viên cần trao quyền được tự học cho mỗi học sinh, đây là nền tảng quan trọng để phát triển tư duy tích cực, giúp các em chủ động và mạnh dạn hơn trong học tập và góp phần giảm thiểu việc học thêm tràn lan như hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ánh Dương