Những năm qua, vấn đề Dạy thêm, Học thêm dù đã được bàn luận nhiều nhưng chưa bao giờ hết nóng. Dù đã trải qua cải cách Giáo dục nhiều lần nhưng có lẽ một phần bởi văn hoá Á – Đông, ảnh hưởng của Nho giáo khiến cho áp lực Học hành quá lớn, khiến tất cả mọi người đều phải đi học thêm dù có quy định hay không.
Chương trình GDPT 2018 bước sang năm thứ 5 với những kỳ vọng mong muốn thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Chúng ta chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực người học. Mặc dù vậy, câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn có chiều hướng gia tăng chứ không hề thuyên giảm.
Đặc biệt, vấn đề này càng được quan tâm khi Dự thảo Thông tư quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT lại “nới lỏng” cho hoạt động này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Đông Phương – Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, cho phép dạy thêm, học thêm chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhất định chứ không phải có lợi cho cả hệ thống.
Theo ông Phương tất cả những nguyên nhân phải dạy thêm như ôn tập, bổ trợ kiến thức trên lớp, lớp học quá tải nên Học sinh khó tiếp thu phải học thêm đều không hợp lý.
“Cho rằng đó là bản chất của học thêm, dạy thêm thì không phù hợp lắm. Phải mang kiến thức trên lớp dạy ngoài lớp thì chỉ có thể phản ánh ở đây Chương trình GDPT có vấn đề nên Giáo viên phải đi dạy thêm. Hoặc cách dạy của thầy cô không phù hợp với chương trình khiến học sinh không tiếp thu được nên phải đi học thêm”, ông Phương nhận định.
Nhưng bên cạnh đó, còn có câu chuyện đạo đức, chuyên gia đặt câu hỏi: “Giáo viên có nhiệm vụ dạy học mà dạy “không xong” trong chính khoá lại còn đi dạy thêm. Tại sao phải đi dạy thêm, trong khi có thời gian học trong giờ, nếu trên lớp không dạy được thì dạy thêm có xứng đáng với việc dạy hay không?”.
Khác với hoạt động dạy bổ túc, phụ đạo cho một nhóm nhỏ học sinh có năng lực học tập ở yếu, giáo viên không lấy học phí và không dạy đại trà tất cả học sinh. Dạy thêm hiện nay là thầy cô dạy cho gần như tất cả học sinh chính khoá, mang tính đại trà và tạo nên thu nhập đáng kể cho giáo viên.
Chưa kể đến, việc dạy thêm hiện nay vẫn tập trung lớn ở các thành phố lớn, nơi kinh tế phát triển. “Ở những khu vực này, người ta kỳ vọng học thêm điểm sẽ cao hơn. Như vậy, học sinh sẽ có lợi thế cạnh tranh trong học tập trong khi ở những vùng khó khăn các em lại không có điều kiện học thêm. Khi dạy thêm được chính thống sẽ càng có sự bất bình đẳng trong giáo dục”, TS. Lê Đông Phương nêu quan điểm.
Chuyên gia nhận thấy, nếu cho rằng dạy thêm nhằm giúp cải thiện đời sống cho giáo viên khi đồng lương quá ít ỏi, nhưng lại mâu thuẫn khi chỉ có khu vực phát triển có điều kiện mới nở rộ dạy thêm. “
Ở những thành phố lớn, nhìn chung giáo viên không gặp quá nhiều khó khăn so với các thầy cô vùng sâu, vùng xa. Như vậy, rõ ràng, dạy thêm chỉ khuyến khích giáo viên tìm cách tăng thu nhập của mình vốn không phải là nhỏ”, TS. Lê Đông Phương cho hay.
Bày tỏ quan điểm trước những dự thảo quy định hơn, ông Phương nhấn mạnh: “Tôi kịch liệt phản đối cho giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình. Cho dù coi đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều năm nay chúng ta luôn nhận định giáo viên công việc rất vất vả, thì không có lý do gì bắt người ta dạy thêm để vất vả hơn. Nếu vất vả hơn thì chất lượng dạy học trong giờ chính khoá sẽ giảm, như vậy là điều không tốt”.
Chưa kể, nếu giáo viên dạy thêm sẽ không có thời gian bổ túc kiến thức, tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi với phụ huynh,…Từ những lý do trên, thực chất dạy thêm là giảm chất lượng dạy học.
Trước băn khoăn, dạy thêm, học thêm là nhu cầu tất yếu của xã hội, khó có thể ngăn cấm, chuyên gia đề ra giải pháp: “Để hạn chế tiêu cực, giáo viên muốn dạy thêm, phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế nhằm đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước cho vấn đề này.
Cùng với đó, thay vì tổ chức dạy thêm, giáo viên nên tham gia các trung tâm, cơ sở dạy thêm vừa tăng thêm thu nhập nhưng không có xung đột về lợi ích đối với chính đối tượng học trò của mình”.
TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng việc tinh giản kiến thức, tập trung vào những kiến thức cốt lõi và thực tiễn, giảm tải áp lực cho học sinh. Khi chương trình học phù hợp với khả năng tiếp thu của đa số học sinh, các em sẽ không cần phải học thêm để hiểu bài.
Cùng với đó, kỹ năng dạy học của giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nhu cầu học thêm. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu bài ngay trong giờ học mà còn khuyến khích các em phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi học sinh cảm thấy hứng thú và chủ động trong việc học, nhu cầu học thêm sẽ giảm đi đáng kể.