Những ngày này, nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh các thầy cô được tổ chức càng khắc sâu thêm niềm tự hào về nghề Dạy Học thiêng liêng và cao quý, tạo động lực để các cán bộ, nhà giáo Hà Tĩnh giữ vững niềm tin, ngọn lửa nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người.
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC
…………………..
TRONG MỖI GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA QUÊ HƯƠNG, CÁC THẾ HỆ NHÀ GIÁO, CÁN BỘ Giáo dục HÀ TĨNH ĐÃ LUÔN NỖ LỰC, KIÊN TRÌ PHẤN ĐẤU, GÓP PHẦN CÙNG TOÀN NGÀNH HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ, TÔ THẮM THÊM TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA VÙNG ĐẤT “ĐỊA LINH NHÂN KIỆT”.
Cùng với đội ngũ Giáo viên trong cả nước,trong mỗi giai đoạn phát triển của quê hương, các thế hệ nhà giáo, cán bộ giáo dục Hà Tĩnh đã luôn nỗ lực, kiên trì phấn đấu, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống hiếu học của vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Trong những năm khói lửa của chiến tranh, nhiều trường học bị tàn phá, nhiều thầy cô giáo và Học sinh đã ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ dạy và học. Thế nhưng, trong khó khăn, gian khổ, trong mất mát, đau thương, ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.
Từ ngọn đèn làng học Cẩm Bình, trên quê hương Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều điểm sáng, điển hình tiên tiến, tổ đội lao động XHCN, nhà giáo tiêu biểu. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 2/1949, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là tỉnh đầu tiên trên cả nước thanh toán nạn mù chữ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thời kỳ nhập tỉnh, giáo dục Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Đội ngũ giáo viên toàn tỉnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, bám trường, bám lớp, nêu cao đạo đức, trách nhiệm và tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân chia sẻ: “Gắn bó với ngành GD&ĐT từ những năm tháng khó khăn, bản thân tôi và các đồng nghiệp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, học hỏi để thực hiện tốt sứ mệnh trồng người. Nhìn lại sự phát triển của giáo dục Hà Tĩnh, trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của mình, tôi hãnh diện và tự hào vô cùng. Tôi cũng rất vui mừng khi chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ nhà giáo hôm nay. Mong rằng, thế hệ tiếp nối sẽ phát huy truyền thống, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ GD&ĐT trong thời kỳ mới”.
NHÂN LÊN NIỀM TỰ HÀO, KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN
Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 25.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cấp học, tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt gần 95%. Toàn tỉnh có 106 nhà giáo ưu tú, 5 nhà giáo nhân dân. Hằng năm, đội ngũ giáo viên không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, được quan tâm đào tạo và bồi dưỡng về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
…………………..
HIỆN NAY, HÀ TĨNH CÓ 25.000 CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN Ở CÁC CẤP HỌC, TỈ LỆ ĐẠT CHUẨN VÀ TRÊN CHUẨN ĐẠT GẦN 95%. TOÀN TỈNH CÓ 106 NHÀ GIÁO ƯU TÚ, 5 NHÀ GIÁO NHÂN DÂN.
Ngọn lửa truyền thống trong đội ngũ giáo viên tiếp tục bền bỉ cháy, ngày càng tỏa sáng với trách nhiệm và tình yêu nghề, mến trẻ, khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Dù mỗi người một cương vị nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, gương mẫu hưởng ứng thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để tạo ra những giá trị tích cực.
Đại dịch COVID-19 diễn ra, GD&ĐT là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn, phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đã kịp thời nghiên cứu, học tập để thay đổi phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với tình hình mới để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục.
Lòng yêu nghề, quyết tâm thực hiện tốt sứ mệnh cũng là nguồn sức mạnh để đội ngũ cán bộ giáo viên từ miền ngược đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn khắc phục khó khăn, bám trường bám lớp, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường thân thiện, hạnh phúc để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui. Trên mỗi chặng đường về với những ngôi trường thân yêu trên quê hương Hà Tĩnh, chúng tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện về sự hy sinh lặng thầm của các thầy cô tận hiến cho sự nghiệp. Những câu chuyện truyền lửa và tấm gương của các thế hệ đi trước đã dẫn đường, truyền sức mạnh cho thế hệ hôm nay tiếp bước thực hiện sứ mệnh cao cả.
Cô Phan Thị Hoài Mơ cho biết: “Tình nguyện xin dạy học ở điểm lớp ghép bản Rào Tre thuộc Trường Mầm non Hương Liên bắt đầu từ năm học này, tôi chỉ mong được góp phần cùng với các đồng nghiệp chung tay thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục ở vùng khó khăn. Mỗi ngày vượt chặng đường gần 27 km để đến điểm trường, với tôi niềm hạnh phúc lớn nhất là việc duy trì sĩ số học sinh, là niềm vui của trẻ em dân tộc Chứt trong mỗi ngày đến lớp”.
Việc khơi dậy tâm huyết, khát vọng cống hiến của đội ngũ nhà giáo trên vùng quê hiếu học còn được tạo động lực bằng những chính sách động viên, khuyến khích kịp thời. Theo đó, thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến giáo viên. Đó là, động viên, khuyến khích các thầy cô học tập để nâng chuẩn đào tạo; khuyến khích giáo viên Ngoại ngữ tự học dự thi lấy chứng chỉ quốc tế; hỗ trợ đào tạo văn bằng 2; chính sách khen thưởng cho giáo viên; chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên được cử đi đào tạo lại để chuẩn hóa trình độ, phục vụ cho việc chuyển đổi cân đối thừa, thiếu; thu hút nhân tài trong ngành sư phạm; hỗ trợ giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả cao; khen thưởng giáo viên dạy giỏi; hỗ trợ giáo viên cốt cán…
“TRONG 3 NĂM TRỞ LẠI ĐÂY, TOÀN NGÀNH ĐÃ KÊU GỌI ĐƯỢC HƠN 11 TỶ ĐỒNG ĐỂ LÀM NHÀ CÔNG VỤ CHO GIÁO VIÊN VÙNG KHÓ KHĂN, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC THẦY CÔ ĐANG GIẢNG DẠY Ở VÙNG SÂU, VÙNG XA YÊN TÂM CÔNG TÁC.”
……………..
Thầy Trần Hậu Tú
Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT
“Cùng với chế độ tiền lương ngày càng được cải thiện, thời gian qua, Công đoàn ngành cũng đã tăng cường kêu gọi, huy động nguồn lực kịp thời hỗ trợ các phần quà trong các dịp lễ, tết, hỗ trợ mái ấm công đoàn cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong 3 năm lại đây, toàn ngành đã kêu gọi được hơn 11 tỷ đồng để làm nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các thầy cô đang giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác”, thầy Trần Hậu Tú, Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT thông tin.
Sự quan tâm của tỉnh, của các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng đã tạo động lực để các thầy cô không ngừng phát huy năng lực, trí tuệ, khát vọng trong sự nghiệp, để giáo dục Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc. Hà Tĩnh luôn được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Năm 2024, điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT của Hà Tĩnh xếp thứ 7 cả nước, nhiều em đạt thủ khoa, á khoa vào các trường đại học. Từ năm 2020 – 2024, toàn tỉnh có 404 em học sinh giỏi quốc gia, số lượng và chất lượng giải xếp tốp đầu cả nước. Đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp gần đây, Hà Tĩnh đều có học sinh đoạt huy chương quốc tế.
Em Trần Minh Hoàng, chủ nhân HCB Toán học quốc tế 2024 chia sẻ: “Từ sự quan tâm, tiếp sức của các thầy cô giáo đã cho em động lực trong học tập, chinh phục kiến thức. Em sẽ cố gắng hơn nữa để khẳng định mình và tiếp nối thành tích của các anh chị đi trước, góp phần làm dày thêm truyền thống của quê hương. Đây cũng là món quà tri ân em dành tặng thầy cô”.
BẮT NHỊP XU HƯỚNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Ghi dấu trong những mốc son của ngành GD&ĐT qua các thời kỳ là sự miệt mài, hy sinh lặng thầm của đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lí, người lao động toàn ngành. Với tài năng sư phạm, lòng yêu nghề, mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, tâm huyết trên từng trang giáo án, thắp sáng ước mơ, hoài bão cho các thế hệ học sinh.
…………………..
VỚI TÀI NĂNG SƯ PHẠM, LÒNG YÊU NGHỀ, MẾN TRẺ, TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU, CÁC THẦY CÔ ĐÃ KHÔNG QUẢN NGẠI KHÓ KHĂN, TÂM HUYẾT TRÊN TỪNG TRANG GIÁO ÁN, THẮP SÁNG ƯỚC MƠ, HOÀI BÃO CHO CÁC THẾ HỆ HỌC SINH.
Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc điểm, những yêu cầu về năng lực nhất định đối với đội ngũ nhà giáo. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng: Trong xu thế phát triển của thời đại hiện nay, yêu cầu của giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng cũng phải thay đổi và đi trước một bước. Do đó, để đáp ứng nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới và nhu cầu xã hội, ngành sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp.
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giáo viên; tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm, có đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, biết truyền cảm hứng cho học sinh, là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Ngành GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học trong từng cấp học; lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo; tiếp tục tham mưu kêu gọi nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường triển khai, thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018. Ngành cũng sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, đãi ngộ cho nhà giáo, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong toàn ngành.
“NGÀNH GD&ĐT SẼ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC TRONG TỪNG CẤP HỌC; LẤY CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ LÀM THƯỚC ĐO; TIẾP TỤC THAM MƯU KÊU GỌI NGUỒN LỰC, TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ GIÁO DỤC ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÁC NHÀ TRƯỜNG TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN TỐT CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018.”
……………………..
Bà Nguyễn Thị Nguyệt
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh
Hà Tĩnh – vùng đất “địa linh nhân kiệt”, người dân bao đời đã hun đúc nên truyền thống hiếu học. Hôm nay, những trang vàng của sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất này đã và đang được viết tiếp bởi biết bao thế hệ nhà giáo nhiệt huyết, yêu nghề – những người đã ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao cho các thế hệ học sinh. Truyền thống đáng tự hào, những câu chuyện truyền lửa dưới những mái trường cùng tấm lòng, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho các thầy cô sẽ là động lực để đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo hôm nay quyết tâm rèn luyện, tu dưỡng, đoàn kết nhất trí, đổi mới sáng tạo, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng trong sự nghiệp “trồng người” mà Đảng và Nhân dân giao phó.
BÀI: THÚY NGỌC
ẢNH, VIDEO: THÚY NGỌC – ĐÌNH NHẤT
THIẾT KẾ: THANH HÀ