Nới thời gian để thí sinh tiếp tục xác nhập nhập học trực tuyến
Theo Kế hoạch tuyển sinh năm 2024, đến 17 giờ 00 ngày 27/8 là thời hạn để Thí sinh xác nhận nhập Học trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống). Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh của các cơ sở đào tạo và thí sinh, hiện có một số thí sinh khi nhập học trực tiếp tại trường mới phát hiện ra sơ suất chưa thực hiện việc xác nhận nhập học trên Hệ thống.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, năm 2024, cả nước có 733.652 thí sinh đăng kí xét tuyển đại học (ĐH) trên hệ thống.
Sau khi lọc ảo, có 673.586 thí sinh trúng tuyển đợt 1, đạt trên 91% so với số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển.
Đến 17h ngày 27/8, thời điểm kết thúc xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (sau thời điểm này, thí sinh không xác nhận nhập học coi như từ chối cơ hội trúng tuyển đợt 1), cả nước có 551.479 thí sinh xác nhận nhập học.
Như vậy, so với số lượng thí sinh trúng tuyển, số thí sinh xác nhận nhập học đạt gần 82%. Số thí sinh không xác nhận nhập học, tức từ chối trúng tuyển đợt 1 là trên 122 nghìn thí sinh.
Và sau khi Bộ GD&ĐT quyết định thêm thời gian mở hệ thống cho thí sinh tiếp tục xác nhận nhập học đại học đợt 1, dự kiến số lượng thí sinh xác nhận nhập học sẽ tăng thêm.
Số liệu tính đến hết 17h ngày 27/8/2024
Bộ GD&ĐT lưu ý, sau khi xác nhận nhập học trực tuyến, thí sinh sẽ được các cơ sở đào tạo hướng dẫn các bước tiếp theo. Căn cứ thông báo, lịch, kế hoạch của cơ sở đào tạo thí sinh có thể làm thủ tục vào học chính thức. Thí sinh trúng tuyển, đã xác nhận nhập học không tham gia xét tuyển bổ sung; trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Từ ngày 28/8 đến tháng 12/2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo cần tìm hiểu thông tin ở trường để tìm ra sự lựa chọn phù hợp với mình nhất.
Thí sinh cần thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo (nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung), đồng thời nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại cơ sở đào tạo đó.
Nhiều lý do khiến thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối đến giảng đường
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh phân tích trong số hơn 120.000 thí sinh từ chối nhập học đại học sẽ được phân ra do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, những thí sinh có điểm cao nhưng bỏ học đại học trong nước vì đã nộp hồ sơ đi học nước ngoài.
Do vậy việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống là phương án dự phòng và nếu các em không đi nước ngoài học mới lựa chọn trong nước. Số lượng này chiếm khoảng 20.000- 30.000 thí sinh/năm.
Nguyên nhân thứ hai do kinh tế gia đình thí sinh khó khăn, trong khi các trường đại học thực hiện tự chủ. Thí sinh có đăng ký xét tuyển nhưng bị chùng lại bởi học phí cao, gia đình không đủ điều kiện kinh tế. Một bộ phận thí sinh không đăng ký để xét tuyển bổ sung vào trường đại học địa phương gần nhà hoặc trường có học phí thấp hơn.
Nguyên nhân thứ 3 là thí sinh đi học nghề gần nhà, thời gian học ngắn, ra trường có thể làm việc, sau đó sẽ học liên thông lên đại học. Nguyên nhân thứ 4 là thí sinh đi xuất khẩu lao động và con số này hiện nay khá nhiều. Phần còn lại là thí sinh trúng tuyển vào những ngành không ưa thích hoặc triển vọng nghề nghiệp thấp.
Như vậy, có thể có nhiều nguyên nhân khiến thí sinh từ chối nhập học dù đã trúng tuyển, do mức học phí đại học cao, hoặc do các thí sinh đã có nhiều sự lựa chọn khác ngoài cánh cửa vào đại học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
https%3A%2F%2Fvtv.vn%2Fgiao-duc%2Fnoi-thoi-gian-de-thi-sinh-tiep-tuc-xac-nhap-nhap-hoc-truc-tuyen-2024082814354402.htm