Sáng tạo, đổi mới để nâng cao chất lượng dạy học
Nhằm góp phần xây dựng nhà trường và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều công trình đổi mới, sáng tạo, thực tiễn đã được các nhà giáo Hà Nội đưa vào vận dụng tại trường Học mang lại hiệu quả tích cực trong Dạy và học.
Sáng tạo đổi mới phương pháp dạy và học
Sau khi nghiên cứu, tìm đọc nhiều sách về đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học nói chung, học sinh lớp 3 nói riêng, cô giáo Hà Linh Hương (sinh năm 1997), giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận thấy, các em phù hợp với các phương pháp, hình thức “Học mà chơi, chơi mà học”. Hơn thế, ngày nay, các thiết bị điện tử thông minh luôn có sức hút đặc biệt với học sinh và có thể xây dựng nhiều chương trình tương tác sinh động, hấp dẫn, âm thanh, hình ảnh độc đáo để thu hút học sinh tích cực tương tác. Do đó, vận dụng ưu thế về công nghệ thông tin, cô Linh Hương bắt tay vào xây dựng một trang web phục vụ việc học tập môn Tiếng Việt lớp 3. Ý tưởng của cô nhận được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường cũng như sự đồng tình, hỗ trợ, góp ý của các đồng nghiệp trong trường.
Chia sẻ về đồng nghiệp của mình, nhà giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Liệt cho biết, cô Hương là một giáo viên có chuyên môn tốt, nghiệp vụ vững vàng, rất tâm huyết với nghề. Sự sáng tạo, đổi mới của cô giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân, tiết học diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.
Trang web do cô xây dựng có hình thức, nội dung hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn, hiệu ứng đa dạng bắt mắt. Các đề mục dễ quan sát, có hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, đồng hành cùng các em trong trang web là nhân vật Trạng Tí phiên bản đáng yêu, rất gần gũi với trẻ em Việt Nam.
Trang web là một kho học liệu bao gồm hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài đa dạng như: trắc nghiệm, kéo thả, nối, điền từ,… dạng bài đa dạng, kiến thức sát chương trình sách giáo khoa, hình thức làm bài nhẹ nhàng, hấp dẫn, góp phần thu hút học sinh muốn truy cập, làm nhiều hơn. Trang web còn có góc trưng bày để các em trưng bày những sản phẩm (sơ đồ tư duy, các bài Góc sáng tạo, bài thơ, vè tự sáng tác) trong tiết Tiếng Việt của mình; dễ dàng quan sát bài của bạn để học tập hoặc nhận xét lẫn nhau.
Sau khi áp dụng, trang web nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.
“Đối với các sáng kiến, sáng tạo của giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường luôn sẵn sàng lắng nghe, tạo điều kiện và đồng hành, tất cả vì học sinh thân yêu. Có những sáng tạo tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng Ban Giám hiệu luôn động viên để các giáo viên tự tin và có động lực sáng tạo, đổi mới tư duy để nâng cao chất lượng dạy học. Sáng kiến của cô Hà Linh Hương cũng đã được phát triển như vậy”, cô Nguyễn Thị Thương, chia sẻ.
Ứng dụng AI để dạy học hiệu quả
Trong thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo AI trở thành công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đối với các trường mầm non. Với vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Giang Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1980), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ thông tin, tham gia các nhóm hỗ trợ công nghệ và giảng dạy nhằm trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để chia sẻ và lan tỏa với đồng nghiệp, giúp mỗi cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường khai thác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dạy học đạt hiệu quả.
Cô Giang Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai) đã chủ động nâng cao về công nghệ thông tin để khai thác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dạy học đạt hiệu quả.
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Theo cô Nhàn, AI có thể hỗ trợ thiết kế bài giảng, trò chơi học tập và tạo ra tài liệu giảng dạy phong phú, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Cụ thể, AI có thể hỗ trợ giáo viên: chuyển hình ảnh thành văn bản (file Word), giúp số hóa tài liệu học tập; chuyển văn bản thành file âm thanh, hỗ trợ tạo các bài giảng nghe cho trẻ; thiết kế các bài giảng sinh động, hấp dẫn; chuyển ý tưởng thành tranh, giúp tạo ra các trò chơi học tập và hình ảnh minh họa; tạo video hoạt hình, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí so với việc tạo video thủ công.
Các nền tảng này cung cấp công cụ tùy chỉnh nội dung, giúp truyền đạt kiến thức một cách sinh động và thú vị; tạo bài hát theo ý muốn, kết hợp với Chat GPT để tạo lời bài hát.
Đồng thời, Nhà trường đã ứng dụng AI để xây dựng kho học liệu của trường, của lớp, tạo môi trường học tập linh động, giúp việc tiếp thu kiến thức được thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị điện tử thông minh; giúp người học có những trải nghiệm đa giác quan, hứng thú trong hoạt động học tập…
Nhằm chia sẻ kiến thức với các đồng nghiệp, giúp giáo viên có thể thiết kế những đồ dùng, giáo cụ trong giảng dạy nhanh mà đạt hiệu quả cao, cô Giang Thị Thanh Nhàn đã xây dựng lịch trình bồi dưỡng giáo viên theo từng tháng, với nội dung cụ thể theo các hình thức: sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, theo tổ, nhóm… Bản thân cô trực tiếp tập huấn, kết hợp mời chuyên gia về công nghệ thông tin chia sẻ cho giáo viên trong trường. Đồng thời, cô cũng khuyến khích giáo viên thực hành với các công cụ AI, theo dõi và đánh giá tiến độ, hướng dẫn kịp thời…
Nhờ ứng dụng AI, cô Nhàn và tập thể giáo viên nhà trường đã tạo ra hàng trăm tài liệu giảng dạy phong phú, giúp trẻ học tập tốt hơn và tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, đem lại hiệu quả tích cực.
“Biến” môn học khó trở nên dễ dàng
Với những giải pháp giúp học sinh yêu thích môn Hóa học – môn học vốn được coi là môn phụ, cô giáo Hoàng Thị Vượng (sinh năm 1987), Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Đại Kim (quận Hoàng Mai) vừa vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024
Cô giáo Hoàng Thị Vượng vừa vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 với những giải pháp giúp học sinh yêu thích môn Hóa học.
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Cô Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đại Kim cho biết, gần 16 năm gắn bó với nghề, cô giáo Hoàng Thị Vượng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng học sinh, phụ huynh, cùng đồng nghiệp bởi sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương học trò. Trong triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều khó khăn thách thức, cô Vượng đã tìm giải pháp giúp môn học trở nên dễ hiểu, học sinh yêu thích môn học.
Một trong những giải pháp được cô Vượng áp dụng là xây dựng hệ thống kiến thức ngắn gọn, móc nối logic xuyên suốt và phương pháp học tư duy để học sinh được học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng không áp lực. Giáo viên nghiên cứu tìm hiểu chương trình của cả cấp học, phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại, tìm ra kiến thức trọng tâm, xuyên suốt. Các kiến thức được cô Vượng lồng ghép, sắp xếp một cách khoa học để học sinh không phải học nhiều, nhớ nhiều, song phải đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không dạy trước, không dạy nhiều, không dạy khó. Cô còn tổ chức cho học sinh hoạt động, thực hành nhiều, học gắn với thực tiễn để không bị nhàm chán và thấy môn học có ý nghĩa trong đời sống.
Cô Hoàng Thị Vượng chia sẻ, sách giáo khoa Hóa học lớp 7 liệt kê các nguyên tố theo thứ tự trong bảng tuần hoàn. Vấn đề là có những nguyên tố được giới thiệu nhiều nhưng không có tính ứng dụng trong thực tế, thậm chí học sinh sẽ không tiếp tục tìm hiểu về nó trong quá trình học hết cấp trung học cơ sở. Trong khi có những nguyên tố kim loại, phi kim có nhiều ứng dụng trong thực tế, học sinh được tiếp xúc, biết đến nhiều trong cuộc sống và cần phải tìm hiểu, nắm được tính chất, sự biến đổi của chúng (ở lớp 8, 9) thì chỉ được giới thiệu mờ nhạt.
Bởi vậy, ngay từ bài “Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học”, cô cho học sinh thi phát hiện, kể tên các kim loại, phi kim thường gặp dựa vào mẫu vật cụ thể, tranh ảnh, video hoặc liên hệ thực tế và ngược lại. Từ đó, cô hướng dẫn, gợi ý cho học sinh học kí hiệu của các nguyên tố kim loại, phi kim. Đến khi học về hóa trị, cô hướng dẫn học sinh theo phương án loại trừ, sắp xếp theo từng loại để học sinh dễ nhớ, nắm được kiến thức, từ đó lập được công thức hóa học của hợp chất một cách dễ dàng.
Cô Vượng không chỉ đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm mà còn phụ trách dạy hai đội tuyển học sinh giỏi Hóa học lớp 8 và 9 của nhà trường. Cô đã kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến và tạo nhiều cơ hội cho học sinh lớp 9 hướng dẫn, giảng bài cho học sinh lớp 8. Việc này vừa giúp học sinh lớp 8 nhận được sự hướng dẫn, vừa giúp học sinh lớp 9 được củng cố kiến thức và rèn luyện tự tin, bản lĩnh; đồng thời kiểm tra được kiến thức của các em.
Sự tâm huyết với nghề của cô Vượng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, vừa đảm bảo học sinh có kiến thức, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ đổi mới giáo dục của mình vừa đảm bảo chất lượng bộ môn, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đại Kim – Phạm Thị Thanh Hà chia sẻ.
https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/sang-tao-doi-moi-de-nang-cao-chat-luong-day-hoc/51048.html