“Siết” xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh
Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại Học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) về những dự kiến điều chỉnh mới:
PV: Bà có thể chia sẻ những điểm mới cốt lõi của dự thảo thông tư này so với quy chế tuyển sinh hiện nay?
Dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.
Thứ nhất là việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên các Học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc Dạy và học ở cấp THPT.
Theo đó, những điểm mới cốt lõi gồm điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khoẻ; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh…
– Cơ sở nào để Bộ GD-ĐT đưa ra con số 20%? Những lý do khiến bà tin rằng các giới hạn này sẽ khắc phục được những bất cập tuyển sinh hiện nay?
Dự thảo quy định phải quy đổi tương đương điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, cùng với yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển chung đã tự động hạn chế quy mô xét tuyển sớm.
Việc đưa ra giới hạn 20% căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.
Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, vậy tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD-ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn thoàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (phổ biến từ khoảng 5 – 6 năm trở lại đây) khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập.
– Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo là điểm rất mới. Bà có thể giải thích vì sao lại có thêm quy định này?
Trong những năm vừa qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.
Tuy nhiên, khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, đặc biệt là ở các ngành, trường “hot”. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Vì vậy, dự thảo sửa đổi quy chế lần này quy định cơ bản thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trung tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.
Dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. Theo đó, các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.
Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Quy định này sẽ tác động làm hạn chế việc xét tuyển sớm. Bên cạnh đó là quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu. Những điều này sẽ góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ việc xét tuyển sớm nay việc các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển.
– Việc quy định xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh phải chăng cũng nhằm siết chặt hơn việc xét tuyển sớm, thưa bà?
Đây là một biện pháp bổ sung để tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở lớp 12 đồng thời tăng tính công bằng và hiệu quả của công tác tuyển sinh. Khi đề thi tốt nghiệp THPT được đổi mới, khả năng đánh giá năng lực và tính phân loại được cải thiện, thì kết quả kỳ thi này chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Bộ GD-ĐT dự kiến ‘siết’ tuyển sinh đại học bằng học bạ
Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, Bộ có thêm những điều kiện đối với việc xét tuyển đại học bằng học bạ.
Bộ trưởng Giáo dục nói về tính tiêu cực của xét tuyển đại học sớm
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra những hệ lụy của việc xét tuyển đại học sớm và bày tỏ mong muốn trong quá trình tự chủ, các trường đại học cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội.
https%3A%2F%2Fvietnamnet.vn%2Fbo-giao-duc-siet-xet-tuyen-som-de-tao-cong-bang-cho-thi-sinh-2345727.html