Sinh viên và thách thức việc làm thời đại công nghệ 4.0
VOH – Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới cho thị trường lao động, đặc biệt là Việc làm bền vững với thu nhập ổn định và cơ hội phát triển lâu dài.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm bền vững đang trở thành xu hướng quan trọng. Đây không chỉ là những công việc mang lại thu nhập ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Sinh viên cần không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải làm chủ các kỹ năng mềm, công nghệ hiện đại và tư duy toàn cầu. Những thông tin này được chia sẻ tại tọa đàm quốc tế “Sinh viên với công việc tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm Khởi nghiệp và Giới thiệu việc làm (Trường ĐH Khoa Học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM) phối hợp cùng Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tổ chức ngày 23/11 vừa qua.
Kỹ năng – yếu tố quyết định hơn cả bằng cấp
Theo các chuyên gia, nhà tuyển dụng hiện nay đánh giá cao kỹ năng hơn là bằng cấp. Trong đó, kỹ năng mềm và kỹ năng sử dụng công nghệ là những yếu tố không thể thiếu để sinh viên nắm bắt cơ hội việc làm tốt. Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Chiến lược (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), cho biết lao động có việc làm bền vững thường có thu nhập trung bình khoảng 8,35 triệu đồng/tháng, cao hơn 30-40% so với nhóm lao động còn lại. Đặc biệt, trình độ chuyên môn cao từ đại học trở lên sẽ giúp gia tăng cơ hội đạt được những công việc này.
Tuy nhiên, tiến sĩ Toàn nhấn mạnh rằng, để có việc làm bền vững, sinh viên cần phải làm chủ các kỹ năng mềm. “Sinh viên không chỉ cần đảm bảo những kỹ năng chuyên môn được đào tạo trong trường mà còn phải đáp ứng yêu cầu của những kỹ năng mềm. Ngày nay, sinh viên làm giỏi thôi là chưa đủ. Sinh viên cần phải biết nhìn nhận, phân tích vấn đề cũng như quản lý công việc. Muốn đạt được những điều này, sinh viên không còn cách nào khác ngoài việc học tập thường xuyên, liên tục nắm bắt và chuẩn bị cho những xu hướng trong công việc” ông chia sẻ.
Cập nhật công nghệ và tư duy toàn cầu
Bên cạnh kỹ năng mềm, việc trang bị kiến thức về công nghệ cũng rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty tư vấn VOCIS, cho rằng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi người lao động phải không ngừng cập nhật các kỹ năng mới. “Sinh viên cần nắm vững các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) hay Internet vạn vật (IoT) để theo kịp xu hướng,” ông Huệ khẳng định.
Ngoài ra, ông Huệ khuyến khích sinh viên xây dựng tâm thế của một “công dân toàn cầu.” Điều này không chỉ yêu cầu sinh viên học ngoại ngữ mà còn rèn luyện cách sống, ứng xử và làm việc trong môi trường đa văn hóa. “Tôi hy vọng các bạn sẽ trở thành những công dân toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam phát triển hơn nữa,” ông bày tỏ.
Vì vậy, thành công trong thời đại 4.0, sinh viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn mà còn phải trau dồi kỹ năng mềm, làm chủ công nghệ và phát triển tư duy toàn cầu. Điều này không chỉ giúp họ có việc làm tốt mà còn mở ra cánh cửa trở thành lực lượng lao động chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.
https%3A%2F%2Fvoh.com.vn%2Fgiao-duc%2Fsinh-vien-va-thach-thuc-viec-lam-thoi-dai-cong-nghe-40-566366.html