Thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng – Trường Đại học Mở Hà Nội
Ngày 28/10, Khoa Tạo dáng công nghiệp – Trường Đại Học Mở Hà Nội tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp và Toạ đàm khoa học với chủ đề “Đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến thức phù hợp xu thế xã hôi” và Triển lãm kết quả đào tạo và hoạt động chuyên môn. Đây là hoạt động khoa học quan trọng hướng đến chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Đại học Mở Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên, Sinh viên và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.
TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội, của khoa học công nghệ, công tác đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng với các ngành như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang và ngành Kiến trúc đang đứng trước nhiều khó khăn và thử thách nhất định, đặc biệt là trong vấn đề định hướng phát triển đào tạo. Trong chiến lược phát triển đào tạo của Trường Đại học Mở Hà Nội nói chung và Khoa Tạo dáng công nghiệp nói riêng luôn xác định đào tạo các ngành mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc lấy người học làm trung tâm, đào tạo phải gắn với thực hành, thực tế, lý thuyết đi đôi với thực hành. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua Khoa Tạo dáng công nghiệp đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp liên quan trực tiếp, gián tiếp đến các ngành đào tạo trong Khoa.
“Việc ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với 06 doanh nghiệp ngày hôm nay hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội quan sát, thể nghiệm thực tế của sinh viên, đồng thời sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các em sinh viên, cho sự phát triển trong tương lai giữa Nhà trường và doanh nghiệp.”, TS Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trường và đại diện các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Đại diện các doanh nghiệp, bà Đinh Thị Phương Thùy – Phó Tổng Giám đốc khu vực phía bắc công ty cổ phần quốc tế gốm sứ Việt đánh giá rất cao bề dày lịch sử xây dựng và phát triển, vị thế thương hiệu của Trường Đại học Mở Hà Nội nói chung và Khoa Tạo dáng công nghiệp nói riêng. Đồng thời tin tưởng rằng: Thông qua việc hợp tác, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực là sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội có kỹ năng chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn cao, khả năng thích ứng nhanh với các vị trí công việc.
Bà Đinh Thị Phương Thùy – Phó Tổng Giám đốc khu vực phía bắc công ty cổ phần quốc tế gốm sứ Việt đánh giá cao vị thế, thương hiệu của Trường Đại học Mở Hà Nội
Phát biểu tại chương trình, TS Lê Trọng Nga – Trưởng khoa Tạo dáng công nghiệp chia sẻ: Từ thực tế cho thấy, dù số lượng sinh viên lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc tốt nghiệp hàng năm không hề nhỏ nhưng các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp. Nhiều ứng viên sau khi ra trường đã có kết quả học tập xuất sắc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhà sử dụng về chất lượng, kỹ năng làm việc cũng như sự phù hợp dẫn tới số lượng ứng viên đạt tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp còn ít, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thực tế, không ít doanh nghiệp, nhà sử dụng đã phải đầu tư không nhỏ về tài chính và công sức để đào tạo nguồn nhân lực được tuyển dụng. Thực trạng đó đã phản ánh những vấn đề bất cập về đào tạo nhân lực mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc ở nước ta hiện nay, tuy nguồn cung khá lớn nhưng chất lượng chưa cao, chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
TS Lê Trọng Nga – Trưởng Khoa Tạo dáng công nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi Tọa đàm
“Thông qua buổi tọa đàm, với sự đóng góp quý báu của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, việc nghiên cứu mỹ thuật ứng dụng, ngành kiến trúc của Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ có những cải tiến, bổ sung thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời gian tới”, TS Lê Trọng Nga mong muốn.
Hình ảnh các chuyên gia, diễn giả trình bày tham luận tại Tọa đàm
Tọa đàm đã nhận về nhiều bài tham luận của các diễn giả, các nhà giáo, nhà nghiên cứu về các vấn đề thiết kế mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; Đánh giá thực trạng công tác đào tạo mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc hiện nay ở các cấp, các loại hình, quy mô đào tạo; Đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực và thực tiễn sử dụng nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc trong xã hôi nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá, dự báo về các xu thế phát triển của các sản phẩm thiết kế mỹ thuật trong thời gian tới và những hướng đi cho sự phát triển các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc phù hợp với xu thế xã hội hiện nay.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều tác phẩm và sản phẩm được trưng bày trong triển lãm kết quả đào tạo và hoạt động chuyên môn là thành quả lao động miệt mài sáng tạo của thầy và trò trong Khoa Tạo dáng công nghiệp nhữ những bài tập mỹ thuật cơ sở, cơ sở ngành, đồ án nhỏ các chuyên ngành…Các tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc đều có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội về cái đẹp và ứng dụng.
Một số hình ảnh trưng bày các tác phẩm của sinh viên, cựu sinh viên tại triển lãm:
https%3A%2F%2Fhou.edu.vn%2Ftin-tuc-su-kien%2Fthem-nhieu-co-hoi-viec-lam-cho-sinh-vien-trong-linh-vuc-my-thuat-ung-dung%2F