Thí sinh hoa hậu Việt diễn nhiệt tình, làm gãy trang phục văn hóa dân tộc
Tối 26/10, phần thi Trang phục Văn hóa Dân tộc trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam diễn ra tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TPHCM.
Đêm thi lấy chủ đề Ngọc ngà Việt Nam, trong đó các người đẹp lần lượt trình diễn 73 trang phục mang tinh thần dân tộc, lấy cảm hứng từ văn hóa, ẩm thực, điểm nhấn du lịch, làng nghề… của Việt Nam.
Mặc dù nhiều bộ trang phục có kích thước lớn và cồng kềnh, các thí sinh vẫn trình diễn tự tin và ấn tượng, khéo léo truyền tải tinh thần cùng thông điệp mà mỗi thiết kế gửi gắm. Tuy nhiên, cũng có thí sinh gặp sự cố, vô tình làm hỏng trang phục khi biểu diễn quá nhiệt tình.
Điển hình là trường hợp thí sinh Võ Nguyễn Gia Hân khi trình diễn trang phục “Tết Tày nêu hội” của tác giả Huỳnh Thành Phát đã vô tình làm gãy thân cây nêu. Trước sự việc xảy ra bất ngờ, Gia Hân tỏ ra hốt hoảng, tuy nhiên cô nhanh chóng lấy lại tinh thần và hoàn thành phần trình diễn của mình trong sự cổ vũ của khán giả.
Nhà sử Học Dương Trung Quốc, Trưởng Ban cố vấn cuộc thi, chia sẻ: “Mong các bạn hiểu rằng đây không phải là trang phục dân tộc, mà là tất cả sự sáng tạo của những nhà thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của dân tộc, của văn hóa dân tộc để có thể tạo ra được cảm xúc mới cho thời đại chúng ta”.
Cũng theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, bên cạnh ngôn ngữ thời trang, màn trình diễn này còn tích hợp nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác như nghệ thuật trang trí, tạo hình trên các loại chất liệu thủ công, cộng hưởng với âm nhạc, ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt cùng nghệ thuật trình diễn, để kể một câu chuyện văn hóa Việt Nam xuyên suốt từ Bắc tới Nam.
“Ý tưởng của nhà thiết kế có được thể hiện đầy đủ và hiệu quả qua từng bộ trang phục không? Đó là điều để ban giám khảo chấm điểm và cũng là cơ hội để khán giả bình luận”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.
Trong khi đó, NSND Vương Duy Biên – Trưởng Ban giám khảo – nhận xét: “Có thể thấy, các nhà sáng tạo đã lấy cảm hứng từ nền văn hóa rất phong phú của dân tộc ta. Chúng ta tự hào nền văn hóa của chúng ta đã truyền sức mạnh cho những sáng tạo từ trong đầu, ra bản vẽ và từ đó hiện thực hóa thành những bộ trang phục như hiện tại”.
Ngoài dàn thí sinh Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024, các bộ trang phục còn được thể hiện bởi những người đẹp như Hoa Hậu Lương Thùy Linh, Bảo Ngọc, Đoàn Thiên Ân, Á hậu Phương Anh, Ngọc Hằng…
Á hậu Bùi Khánh Linh mở màn đêm diễn bằng tác phẩm “Ngưu quyền” của tác giả Huỳnh Hải Dương. Tác phẩm sử dụng hình ảnh con trâu vốn đã quen thuộc với nền nông nghiệp Việt Nam, thể hiện sự mạnh mẽ, kiên cường và cần cù, chịu khó của người nông dân.
Hoa hậu Khánh Vân gây ấn tượng mạnh khi trình diễn bộ trang phục “Nam Hải Ngọc Lân” của tác giả Khoa Lỗ. Bộ trang phục khá to và gây khó khăn khi di chuyển, tuy nhiên, phần thể hiện vô cùng chuyên nghiệp của người đẹp đã khiến cả trường quay không ngừng hò reo.
Hoa hậu Lương Thùy Linh khiến khán giả bất ngờ khi xuất hiện trong bộ trang phục “Ánh đuốc trên ngàn” của tác giả Nguyễn Thành Đạt Anh. Lấy cảm hứng từ tín ngưỡng Thờ Mẫu và hình tượng thánh cô Đông Cuông, thiết kế tái hiện cả một ngôi đền thu nhỏ với những chi tiết tinh xảo, tạo nên vẻ huyền bí và uy nghiêm.
Do cấu trúc cồng kềnh, Lương Thùy Linh cần sự hỗ trợ để di chuyển bộ trang phục vào sân khấu, nhưng người đẹp vẫn ghi điểm với màn nhảy hầu đồng uyển chuyển và đầy thần thái.
Hoa hậu Bảo Ngọc khép lại đêm trình diễn bằng màn xuất hiện đầy uy quyền với bộ trang phục “Cửu Long Ẩn Vân” của tác giả Nguyễn Song Huy. Bộ trang phục được đính kết khá chi tiết, mang đến vẻ quyền lực cho người mặc.
Thiết kế lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của họa sĩ Phan Văn Tánh, được vẽ trên trần chùa Diệu Đế (Thừa Thiên Huế), tái hiện hình ảnh chín con rồng ẩn hiện trong mây, biểu tượng cho sức mạnh và sự linh thiêng.
Sáu nhà thiết kế đảm nhận vai trò huấn luyện viên cho phần thi Trang phục Văn hóa Dân tộc là Vũ Việt Hà, Văn Thành Công, Nguyễn Minh Công, Tín Thái, Huỳnh Bảo Toàn, Phạm Sĩ Toàn.
Kết quả phần thi sẽ được công bố vào đêm chung kết dự kiến diễn ra ngày 18/12 tại TPHCM.
Hoa hậu Quốc gia Việt Nam là cuộc thi được tổ chức lần đầu năm nay, nhằm tìm kiếm gương mặt đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Miss International (Hoa hậu Quốc tế) với tiêu chí tôn vinh và đề cao vẻ đẹp người con gái Việt Nam nói chung và thiếu nữ thế hệ trẻ nói riêng theo tiêu chí “công dung ngôn hạnh”.
Các thí sinh sẽ thi về nữ công gia chánh, nấu ăn, cắm hoa mang đặc trưng của địa phương tại phần thi Người đẹp Tài năng.
Trong đêm chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 18/12 tại TPHCM, thí sinh sẽ đăng quang trong tà áo dài và khoác phượng bào đặc biệt do nhà thiết kế Trần Thiện Khánh thiết kế, nhằm tô đậm thêm tính nữ và quyền lực, lộng lẫy cho người chiến thắng.
Ảnh: Ban tổ chức
https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fgiai-tri%2Fthi-sinh-hoa-hau-viet-dien-nhiet-tinh-lam-gay-trang-phuc-van-hoa-dan-toc-20241027093259804.htm