Sau Lào Cai, Lai Châu, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng triển khai thí điểm cho Học sinh trung Học cơ sở nghỉ học chính khoá vào thứ 7 trong năm học 2024 – 2025. Việc này nhằm tăng thời gian nghỉ ngơi cho học sinh và giảm áp lực làm việc cho Giáo viên.
Đảm bảo thời lượng học tập đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện Công văn số 2058/SGDĐT-GDPT ngày 19/9/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh về việc cho ý kiến tổ chức Dạy học 5 ngày trong tuần, nghỉ ngày thứ 7, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện.
Nội dung này nhằm cụ thể hoá thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ theo Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 36/1999/TT-BGDĐT ngày 27/9/1999..
Thí điểm tổ chức dạy học dạy học 5 ngày trong tuần ở các trường trung học cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, của phần lớn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, giúp giáo viên, học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, bố trí thời gian hợp lý để vui chơi giải trí, tham gia vào các hoạt động xã hội cùng gia đình, bạn bè hoặc tham gia các hoạt động rèn luyện thể thao theo sở thích cá nhân vào mỗi dịp cuối tuần.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh cũng lưu ý, việc tổ chức dạy học 5 ngày trong tuần chỉ được thực hiện ở những đơn vị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên; phải xuất phát từ nhu cầu, tự nguyện của cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh nhà trường.
Kế hoạch dạy học 5 ngày trong tuần phải được xây dựng khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn, không gây quá tải cho học sinh; đảm bảo về thời lượng dạy học và hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục bắt buộc và nội dung tự chọn (nếu có) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Không được tuỳ tiện cắt xén nội dung chương trình; không điều chỉnh chế độ lao động, định mức giờ dạy của giáo viên; hoàn thành khối lượng công việc được giao, đảm bảo số lượng, chất lượng và hiệu quả; giữ nghiêm kỉ luật lao động; không tăng chi phí hành chính; không tăng biên chế, không tăng quỹ lương… Tuyệt đối không được tận dụng thời gian nghỉ (ngày thứ 7) để tổ chức dạy thêm, Học thêm trong và ngoài nhà trường.
Để triển khai chủ trương đúng mục đích, đạt hiệu quả, các trường trung học cơ sở trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, thời khóa biểu hợp lý; đặc biệt là lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Cô Nguyễn Thị Mai Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) cho biết, trước khi thực hiện dạy học 5 ngày trong tuần, nhà trường đã có sự chuẩn bị về tâm thế, tinh thần bằng việc lấy ý kiến mức độ tán thành của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
“Hiện tại nhà trường và một số trường trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đang thực hiện thí điểm cho học sinh nghỉ học vào thứ 7. Bước đầu, nhà trường thực hiện kế hoạch cơ bản thuận lợi, chưa ghi nhận phát sinh khó khăn bất cập. Nhìn chung, chủ trương này được giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận cao”, cô Mai Anh cho biết thêm.
Căn cứ từ tình hình thực tế tại địa phương, cô Mai Anh nhận thấy hầu hết công nhân viên chức các ngành trên địa bàn đều nghỉ làm vào thứ 7. Vì vậy, việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 sẽ đồng bộ với thời gian nghỉ ngơi của phụ huynh, thuận tiện cho việc sắp xếp các hoạt động vui chơi giải trí cuối tuần với gia đình. Theo cô Mai Anh, bên cạnh việc học ở trường, học sinh cũng cần thời gian tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động thể thao, nghệ thuật tự chọn để phát triển toàn diện.
Giáo viên tại Trường Trung học cơ sở Nam Hà cũng chia sẻ, việc có thêm một ngày nghỉ cuối tuần sẽ giúp thầy, cô giáo có thêm thời gian chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động sau một tuần làm việc vất vả. Bên cạnh đó, giáo viên có thể sắp xếp thời gian này để tham gia các khóa học bồi dưỡng, tự học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, không ảnh hưởng tới lịch dạy.
Tại Trường Trung học cơ sở Lê Bình (thành phố Hà Tĩnh), việc triển khai kế hoạch dạy học 5 ngày trong tuần cũng đã được bố trí hợp lý, đúng quy định, đảm bảo không quá 8 tiết mỗi ngày. Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, số tiết học trung bình một tuần với trung học cơ sở và trung học phổ thông là 29 – 29,5 tiết, chưa gồm các môn tự chọn. Để đảm bảo dạy và học theo đúng quy định, nhà trường đã bố trí dạy học mỗi tuần 5 buổi sáng, 1 buổi chiều và cứ 3 tuần sẽ có 1 tuần học 2 buổi chiều.
Cô Phan Thị Tâm Tư – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Bình cho biết, vào những buổi chiều không học chính khoá, nhà trường sẽ tiến hành tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi. Tất cả những hoạt động dạy và học đều diễn ra vào 5 ngày trong tuần.
“Nhà trường đã quán triệt cán bộ, giáo viên không tổ chức dạy thêm vào thứ 7, chủ nhật để học sinh được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần. Mục đích của việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 là để giảm tải áp lực cho các em, có thêm thời gian để các em phát triển các kỹ năng cần thiết ngoài kiến thức trường học. Vì vậy, nhà trường cần sự phối hợp của giáo viên, phụ huynh học sinh để thực hiện tốt chủ trương này”, cô Tư chia sẻ thêm.
Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập phù hợp
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh, các đơn vị thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ 7 cần chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học phù hợp với điều kiện của địa phương, thực tế nhà trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học cơ sở, của phòng giáo dục và đào tạo; bố trí hợp lý thời gian biểu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc: buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết.
Đồng thời, các trường trung học cơ sở tham gia thí điểm cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, kế hoạch dạy học 5 ngày trong tuần đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh… (đối tượng tác động) để có căn cứ thực tiễn phù hợp.
Hiệu trưởng trường trung học cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch dạy học 5 ngày trong tuần trình Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh phê duyệt, báo cáo với chính quyền địa phương trước khi thực hiện; quản lý chỉ đạo việc thực hiện nội dung, kế hoạch dạy học, hoạt động giáo dục đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn thành kế hoạch năm học theo quy định; làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền, quán triệt giáo viên không dạy thêm, học sinh không học thêm, phụ huynh học sinh không ép buộc con em học thêm vào sáng thứ 7; tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm vào sáng thứ 7 và tiếp tục thực hiện chủ trương “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm” của ủy ban nhân dân thành phố;
Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm chỉ đạo giáo viên phối hợp với phụ huynh học sinh có định hướng, quản lý thời gian của học sinh trong ngày nghỉ; tạo điều kiện về không gian, môi trường, các điều kiện đảm bảo, bố trí các sân chơi văn hoá, thể thao, nghệ thuật để học sinh được lựa chọn, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, chủ động sắp xếp kế hoạch tự học của cá nhân một cách hiệu quả; Định kỳ báo cáo về phòng giáo dục và đào tạo về việc thực hiện kế hoạch giáo dục và kế hoạch dạy học của nhà trường.
Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ sở giáo dục cần kịp thời phản ánh về phòng giáo dục và đào tạo để được giải quyết.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Bình cho biết nhà trường đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thực hiện theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh, nhà trường có sự phối hợp với phụ huynh định hướng, quản lý thời gian của học sinh trong ngày nghỉ, tạo điều kiện về không gian, môi trường, các điều kiện đảm bảo, bố trí các sân chơi văn hoá, thể thao, nghệ thuật để học sinh được lựa chọn, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Đồng thời, nhà trường khuyến khích các em chủ động sắp xếp kế hoạch tự học của cá nhân một cách hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Mai Anh cũng chia sẻ, Trường Trung học cơ sở Nam Hà đã có sự chủ động đảm bảo về cơ sở vật chất và phòng học, đủ cho tất cả các lớp học trước khi thí điểm chủ trương cho học sinh nghỉ học thứ 7.
Thực tế, việc cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 không phải là chủ trương mới và đã có một số địa phương áp dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ trương này vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Việc triển khai cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 là mong muốn giảm tải một phần áp lực cho học sinh và giáo viên. Nhưng có một số ý kiến cho rằng, nếu cho phép học sinh nghỉ thứ 7 thì các trường phải dồn tiết chính khóa sang cả buổi chiều hoặc tăng tiết buổi sáng lên từ 5 đến 6 tiết. Vì vậy, đề xuất này tưởng chừng giúp giảm tải nhưng thực tế lại khiến thầy và trò thêm áp lực.
Bàn về vấn đề này, cô Mai Anh bày tỏ quan điểm: “Trước đây, khi dạy học 6 ngày/tuần thì việc dạy 5 tiết buổi sáng là điều bình thường ở hầu hết các trường học. Còn hiện tại, khi dạy 5 ngày/tuần, nhà trường cũng không bố trí dạy 6 tiết vào buổi sáng, mà bố trí 5 tiết sáng, 3 tiết chiều hoặc 4 tiết sáng, 4 tiết chiều.
Như vậy, thời lượng tiết học không tăng. Việc bố trí thời khoá biểu hợp lý sẽ không gây quá tải, thời lượng buổi nghỉ trong tuần của học sinh và giáo viên không thay đổi. Tôi cho rằng nếu cả nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh sử dụng quỹ thời gian những ngày cuối tuần một cách thông thái, thì sẽ đáp ứng đúng mục đích đó là đảm bảo cường độ học tập cho các em và cường độ lao động cho giáo viên”.
Hà Giang